Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

MỘT VÀI GIẢI PHÁP CHO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở AN GIANG

I-NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC AN GIANG.

Chất lượng giáo dục là một trong những mối quan tâm của toàn xã hội và là vấn đề trọng yếu trong chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian vừa qua, báo chí, nhiều nhà quản lí, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội đã có rất nhiều ý kiến về chất lượng giáo dục. Chỉ riêng về khái niệm “chất lượng” cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài viết này quan niệm của chúng tôi về chất lượng giáo dục phổ thôngsự phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông.
Mục tiêu giáo dục phổ thông được qui định trong Luật giáo dục - “Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (điều 23).
Sản phẩm của giáo dục phổ thông là nhân cách học sinh được nhà trường đào tạo ra. Trong thực tiễn, chất lượng giáo dục được nhìn nhận và đánh giá qua việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm và học lực. Vì thế nó chưa phản ánh toàn bộ mục tiêu giáo dục phổ thông. Ngay cả trong đánh giá xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh hiện nay, giữa yêu cầu đánh giá và việc thực hiện của từng giáo viên, từng nhà trường vẫn còn khoảng cách không nhỏ.
Qua kết quả đánh giá xếp loại năm học 2003-2004, chúng ta hết sức lạc  quan, phấn khởi cho giáo dục tỉnh nhà.

Mặt đánh giá
Xếp loại
Tiểu học (tỉ lệ %)
Trung học  (tỉ lệ %)



Hạnh kiểm

-Tốt

95.04

70.4
-Khá
4.64

21.67

-Trung bình

6.61

-Yếu

1.31




Học lực
-Giỏi
23.41
18.04
-Khá
39.91
33.27
-Trung bình
35.36
39.45
-Yếu
1.31
8.8
-Kém

0.43


Với kết quả đạt được, chúng ta thấy hài lòng nhưng hình như chưa an tâm. Bên cạnh những trường làm tốt, những nhà giáo giỏi, những cán bộ quản lí nhiệt huyết thì còn không ít cá nhân làm việc trì trệ, kém hiệu quả. Chính Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên nhi đồng của Quốc hội qua báo cáo thẩm tra của Bộ giáo dục và đào tạo trong kì họp quốc hội vừa qua đã xác định “ Ba vấn đề cụ thể khiến dư luận xã hội bức xúc nhất là: sự gian dối trong học tập, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan và công tác tổ chức thi cử nặng nề, chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục”( Tuổi trẻ online 2004).
Riêng ở An Giang ta thì “ Chất lượng văn hóa chuyển biến nhưng chưa đồng đều  ở các đơn vị và địa bàn khác nhau...Trong hoạt động thực tiễn vừa qua đã xuất hiện tâm lí “dễ người dễ ta” trong một bộ phận cán bộ giáo viên, có biểu hiện chạy theo thành tích thi đua, chưa thực sự chú ý về nâng cao chất lượng giáo dục...” ( Edunet 2004)
Xét đến kết quả thi tuyển sinh Đại học An Giang, điểm của học sinh An Giang thuộc hạng “top” thấp. Mặc dù mục đích thi tốt nghiệp và thi đại học rất khác nhau; mức độ khó dễ của đề thi hai kì khác nhau; khác nhau cách chấm điểm; khác nhau về tâm lí của thí sinh, giám thị, giám khảo... Vì thế, dùng kết quả thi đại học để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông chưa phải là hợp lí, nhưng dùng nó để so sánh trình độ học sinh giữa các trường, các vùng miền là đáng tin cậy.
T những điều trình bày ở trên, chúng tôi thấy rằng An Giang cần có nhiều giải pháp cải tiến quản lí mạnh mẽ để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

II-CÁC GIẢI PHÁP VỀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Nhiều nhà khoa học, các nhà giáo lão thành đã đề cập đến nhiều nguyên nhân yếu kém của chất lượng giáo dục. An Giang cũng có nhiều nguyên nhân tương đồng với cả nước, các giải pháp thực hiện khó thoát khỏi quỷ đạo chung của cả nuớc. Vì thế, khó có thể có các giải pháp cách tân có tính đột phá. Chúng ta đang rất cần các giải pháp này nhưng để có nó không phải chỉ do một vài cá nhân  nghĩ ra mà cần có trí tuệ tập thể, được tổ chức chặt chẽ khoa học, không thể tự phát mà có được. Hiện nay ngành giáo dục đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng  chẳng hạn như thay sách, đổi mới quản lý…theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở hệ thống các giải pháp đang tiến hành, chúng tôi xin đề ra một vài giải pháp cơ bản cho giáo dục An Giang.

II.1 Quản lí chất lượng giáo dục.
Đây là vấn đề khó khăn phức tạp nhất, không chỉ riêng của An Giang mà của chung của cả nước. Khó khăn này rất nghiệt ngã tạo nên nhiều nghịch lí.
Trước hết là “ bệnh thành tích của ngành giáo dục”. Để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch áp đặt từ cấp trên, áp lực từ xã hội… Không ít giáo viên, nhà trường đã hạ thấp yêu cầu đánh giá,không đảm bảo thực thi nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Có trường, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên  chỉ được xếp loại hạnh kiểm học sinh từ khá trở lên, có giáo viên dạy rất “tệ” nhưng điểm kiểm tra của học sinh bao giờ cũng từ 7 điểm trở lên! ( Mỗi người chúng ta có nhiều thực tiễn nhưng không tiện nói ra...). Hiện tượng thiếu trung thực trong đánh gía kiểm tra không phải là hiếm. Cái mà giáo dục hiện nay cần là sự trung thực. Vịêc đánh giá quản lí chất lượng sẽ quyết định cho phương pháp dạy học. Từ lâu ta quá chú ý đổi mới phương pháp dạy - học nhưng ít chú ý đến quản lý chất lượng nên hiệu quả đổi mới phương pháp chưa nhiều. Hiện nay ta chưa có công cụ chuẩn hoá để quản lí chất lượng , mô hình quản lí chất lượng MBO cũng như các mô hình khác mà thế giới dã sử dụng chúng ta chưa áp dụng được trong hoàn cảnh hiện tại của tỉnh nhà. Những việc cần thiết nên làm là:

1) Quản lí chặt chẽ việc đánh giá cho điểm của giáo viên. Chấm dứt tình trạng dạy học giáo dục không ra làm sao, nhưng đánh giá học sinh là tốt, giỏi , gian dối như thế là tự lừa dối mình lừa dối xã hội. Cán bộ quản lí trường học phát hiện nhận diện ra các giáo viên  này không phải là khó, có điều là có mạnh dạn cương quyết hay không hay là làm ngơ, thậm chí “bật đèn xanh” cho giáo viên!
2) Tổ chức quản lí chặt chẽ vịêc kiểm tra 1 tiết thi học kì.( ra đề chung, cắt phách, chấm chéo,…). Việc này có một số trường đã làm và có hiệu quả tốt.
3) Thông qua hai kì thi quan trọng: thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học mà phân loại đánh giá từng giáo viên. Từ trước đến nay ta thường chú ý đến tỉ lệ tốt nghiệp để xếp hạng chất lượng giáo dục giữa các trường. Từ nay cần tính điểm trung bình cộng của từng môn thi cho từng lớp, từng trường để đánh giá chất lượng sẽ đảm bảo chính xác khoa học và có tác dụng tốt ( cách mà Bộ GD-ĐT đã làm trong kỳ thi tuyển sinh Đại học ).
4) Trong khi chờ đợi Bộ có bộ công cụ chuẩn đánh giá, An Giang nên đầu tư xây dựng bộ công cụ này để đánh giá chất lương giáo dục ở các trường chính xác khoa học, làm cơ sở cho việc quản lí chất lượng giáo dục và có giải pháp chủ trương sát hợp với thực tiễn. (Đội ngũ cán bộ khoa học ở An Giang hiện nay có khả năng làm được điều này, chỉ cần có tổ chức và kinh phí).

Đã đến lúc chúng ta phải can đảm mạnh dạn chấp nhận sự thật. Sự trung thực trong giáo dục như lời Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã nói: "Chúng  tôi không bao giờ khuyến khích chạy theo thành tích mặc dù áp lực là rất lớn, có những khó khăn người cán bộ quản lí phải đương đầu. Chúng ta phải đánh giá đúng thực chất có như thế nào thì đánh giá như thế mới có giải pháp trúng được. Nếu chất lượng của chúng ta thấp vì tác động của những yếu tố bên ngoài mà giảm chuẩn đánh giá đi, dễ dãi với nhau để nâng cao con số đó lên là sai rồi! Từ đó dẫn đến tâm lí thoả mãn, các giải pháp đưa ra không chặt, không sát; dẫn đến những hậu quả xấu hơn; bệnh dối trá không trung thực, đó là cái hoàn toàn xa lạ với người thầy, người quản lí trong môi trường giáo dục” ( Edunet 2004).

II.2. Xây dựng đôi ngũ giáo viên:
Giáo viên trực tiếp quyết định đến chất lượng giáo dục, nhưng đội ngũ giáo viên của ta hiện nay, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Giáo viên tiểu học “ý thức tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên còn thấp. Việc tổ chức, quản lí hoạt động bồi dưỡng ở các trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành”( Sở GD&ĐTAG 2003).
- Giáo viên cấp THCS “ … Tuy còn trẻ những còn không ít giáo viên thiếu ý thức cầu tiến rèn luyện tay nghề, tu dưỡng đạo  đức nghề nghiệp                                                                                                    nên hiệu quả giảng dạy thấp”( Sở GD&ĐTAG 2004)
- Giáo viên THPT “ chất lượng không đồng đều giữa các trường, giữa các bộ môn. Một số trường mới thành lập, hoặc ở vùng sâu , vùng xa thì đội ngũ nòng cốt về chuyên môn còn mỏng.. Cón một số giáo viên lo chạy kinh tế nên có biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với chức trách được giao, thiếu ý thức cầu tiến trong công việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ” ( Sở GD&ĐTAG 2004 )
Từ những nhân định trên cho thấy việc xây dựng đội ngũ giáo viên là hết sức bức xúc.

II.2.1 Sàng lọc đội ngũ giáo viên.
Cần mạnh dạn tiến hành nhanh chóng sàng lọc đội ngũ giáo viên theo chủ trương của tỉnh. việc sàng lọc đổi với những người không đủ bằng cấp tương đối dễ, nhưng khó khăn là đối với giáo viên có đủ bằng cấp nhưng không đảm đang được nhiệm vụ, thiếu nhiệt tình. Với đối tượng này, vai trò của nhà trường là rất quan trọng, phải quản lí chất lượng nghiêm túc kết hợp với bộ phận đánh giá của Sở GD-ĐT để sàng lọc.
UBND tỉnh nên cho thành lập một tổ chức chương trình mục tiêu, thành phần gồm Sở GD-ĐT và Trường Đai học An Giang có chức năng thẩm định một số trường hợp giáo viên có đủ bằng cấp nhưng năng lực kém.
Hiện nay nguồn nhân lực cho ngành giáo dục không phải là thiếu, chúng ta có đủ điều kiện, thời cơ để mạnh dạn sàng lọc đội ngũ làm tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

II.2.2 Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
1) Cần đảm bảo chất lượng bồi dưỡng chuẩn hoá, các lớp do trường ĐHAG tổ chức quản lí đảm bảo chất lượng, các lớp từ xa (liên kết đào tạo) phải xem lai chất lượng và hiệu quả các lớp này. Bộ phần phụ trách cần có ý kiến đóng góp về dạy- học, kiểm tra thi cử. Hiện nay đã có nhiều dư luận không lành mạnh: “Đi học để hợp thức hoá bằng cấp”.
2) Hiệu trưởng các trường cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của mình bằng nhiều hình thức với những nội dung thiết thực, bổ ích. Quản lí chất lượng, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ giáo viên là một thể thống nhất. Thực tiễn các trường tiên tiến đều làm tốt khâu này mà đảm bảo được chất lượng giáo dục.
3) Cần có sự liên kết chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên giữa trường ĐHAG với các trường phổ thông. Trong điều kiện hiện tại An Giang có thể xây dựng mạng giáo dục, nối mạng liên kết giữa Trường Đại học An Giang, Sở GD-ĐT An giang và các trường phổ thông. Đây là một nhu cầu cần thiết, giúp cho giáo viên thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua mạng. Đồng thời giúp cho thông tin thông suốt trong hệ thống quản lí giáo dục, giúp cho hệ thống giáo dục vận hành tối ưu.
Thực hiện việc này đòi hỏi phải có kinh phí và quyết tâm, kinh phí thì không khó lắm vì hiện nay phần lớn các trường đếu có máy vi tính, có điện thoại. Nhưng khó khăn nhất là năng lực và thói quen của giáo viên. Nên tiến hành từng bước, Thực hiện thí điểm sau đó nâng lên đại trà.
4) Nên tiến hành khảo sát đánh giá chính xác thực trạng tay nghề đội ngũ giáo viên phổ thông để có giải pháp bồi dưỡng thích hợp.


III.3 Giải pháp về cán bộ quản lí
Trong chiến lược phát triển giáo dục cho đến năm 2020 của Chính Phủ đề ra hai giải pháp cơ bản đó là: đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa và đổi mới đội ngũ giáo viên cán bộ quản lí, trong đó khâu đột phá là đổi mới quản lí. Cán bộ quản lí có vai trò cực kì quan trọng trong đổi mới quản lí và đảm bảo chất lượng giáo dục. Vì vậy cần phải quan tâm tới đội ngũ này.

III.3.1 Củng cố và sàng lọc đội ngũ cán bộ quản lí
“ Phần lớn cán bộ quản lí trường học có trách nhiệm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ chu toàn công việc được phân công mà thiếu đầu tư, sáng tạo tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cải tiến công tác quản lí để đưa nhà trường phát triển. Năng lực một bộ phận cán bộ quản lí ở sở , phòng giáo dục và trường học cũng chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới  sự nghiệp giáo dục; thiếu năng lực sáng tạo, thiếu kiên trì và quyết tâm thực hiện trước những nhiệm vụ khó khăn phức tạp; ngành chưa mạnh dạn thay thế...”( Sở GD&ĐT 2004).
Qua làm việc với cán bộ quản lí và giảng dạy các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lí, chúng tôi nhận thấy những điều trên hoàn toàn đúng. Để đảm bảo chất lượng giáo dục chúng ta phải nhanh chóng sàng lọc các đối tượng này. Hãy xem số liệu của UBND tỉnh Nghệ An: 347 người được bổ nhiệm mới; 855 người bổ nhiệm lại; miễn nhiệm 135 người ( Tuổi trẻ online 2004). An Giang ta là "một bộ phận cán bộ quản lí chưa tốt", cụ thể là bao nhiêu? Số đối tượng nầy cần phải tiến hành sàng lọc sớm vì nếu để kéo dài có nhiều nguy hại. Nên tiến hành các việc:
1) Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kiểm định chất lựơng cán bộ quản lí từ đó mà rà soát đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lí một cách khoa học, trên cơ sở đó để bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt...
2) Mạnh dạn miễn nhiệm ngay những cán bộ quản lí thiếu nhiệt tình, thiếu năng lưc. Đặc biệt là những đối tượng không muốn làm cán bộ quản lí, bản chất công tác quản lí lãnh đạo phải tự nguyện mới quyết tâm phấn đấu rèn luyện phẩm chất năng lực lãnh đạo quản lí.
3) Mạnh dạn miễn nhiệm các cán bộ quản lí làm việc hết nhiệm kì (5 năm) mà hiệu quả công tác thấp, “trung bình chủ nghĩa”.
4) Mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ có tâm huyết. Thực hiện tốt công tác cán bộ kế cận dự bị. Trong hơn 16.000 giáo viên của tỉnh mà thiếu cán bộ quản lí thì phải xem lại quan điểm và cách làm của tỉnh ta về công tác cán bộ.

III.3.2 Bồi dưỡng cán bộ quản lí
            Phần lớn cán bộ quản lí của tỉnh đều được bồi dưỡng theo chương trình cũ, hoặc chương trình mới, qua thực tiễn giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng CBQLvà nghiên cứu thực tế ở các trường phổ thông chúng tôi thấy còn không ít CBQL chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của các trường. Qua nghiên cứu giảng dạy chương trình bồi dưỡng CBQL mới, có thể nói nội dung thừa những kiến thức xa vời, thiếu những kiến thức cần thiết phục vụ cho công tác thực tiễn. Trong thời gian qua ta lại áp dụng máy móc các chương trình mà không vận dụng linh hoạt nó cho phù hợp với tình hình của tỉnh nên chất lượng bồi dưỡng còn giới hạn. Một điều đáng nói là không ít cán bộ ngại nghiên cứu học hỏi, lười suy nghĩ, thích làm theo kinh nghiệm cũ, ngán ngại đổi mới, thiếu sáng tạo. Để nâng cao trình độ, năng lực cho CBQL. Chúng ta nên tiến hành các việc:

1) Tổ chức có chất lượng các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lí theo chương trình, bồi duỡng mang tính chất đào tạo; tổ chức cho các đối tượng đương chức, kế cận và dự bị. Mạnh dạn đổi mới phương thức bồi dưỡng theo hướng tăng kĩ năng quản lí hơn  là nhận thức lí thuyết. Đánh giá nghiêm túc kết quả bồi dưỡng.
2) Tổ chức các lớp chuyên đề ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của từng địa phương.
3) Tổ chức hoạt động “câu lạc bộ hiệu trưởng” để trao đổi kinh nghiệm quản lí và tìm giải pháp mới cho quản lí nhà trường.

III.3.3 Chế độ chính sách đối với cán bộ quản lí
Thực tế, chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lí hiện nay là không thu hút, không kích thích cán bộ quản lý. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên giỏi, có năng lực không muốn làm quản lí ở trường học cũng như đưa về các cơ quan quản lý. Ở các nước, người đứng đầu một tổ chức thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với người khác trong đơn vị.
Trong thời k bao cấp, An Giang là một tỉnh có chế độ đãi ngộ rất tốt đối với ngành giáo dục nhờ đó mà phong trào giáo dục của An Giang những năm ấy phát triển rất tốt trong vùng. Chúng tôi thấy rằng ngoài chế độ chung của cả nước, An Giang nên nghiên cứu có chính sách ưu đãi riêng thỏa đáng cho cán bộ quản lí. Đội ngũ này không nhiều, nhưng nếu họ thực sự quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm chuyển biến chất lượng giáo dục.
Như vậy giải pháp cần tiến hành mạnh mẽ là củng cố, sàng lọc đội ngũ cán bộ quản lí, đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo bồi dưỡng, chế độ chính sách thỏa đáng. Sự đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả rất cao vì đây là khâu đột phá trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.

III. KẾT LUẬN .
Chất lượng giáo dục phổ thông của An Giang có những thành tựu đáng trân trọng, có nhiều cá nhân, đơn vị vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên chúng ta còn nhiều vấn đề phải đầu tư giải quyết cho chất lượng giáo dục An Giang ngang tầm với các tỉnh trong vùng. Những giái pháp hàng đầu cần tập trung giái quyết là : quản lí chặt chẽ chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực trong kiểm tra thi cử; sàng lọc đội ngũ giáo viên cán bộ quản lí trong toàn ngành, ra sức xây dựng đội ngũ này vững mạnh bằng nhiều biện pháp tích cực cương quyết. Chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành đựơc Nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh Uỷ An Giang về giáo dục.
Để nâng chất lượng giáo dục phổ thông, nên sơ kết, rà soát lại, đánh giá rút kinh nghiệm các đề án giáo dục đã triển khai. Chúng tôi cho rằng An Giang nên có một chương trình quản lí chất lượng giáo dục phổ thông bên cạnh các đề án khác, trong chương trình nầy có nhiều dự án cụ thể ( chẳng hạn như: kiểm định đánh giá chất lượng quản lý Trường Tiểu học, THCS,THPT; xây dựng bộ công cụ đánh giá kiểm định chất lượng các môn văn hóa; giải pháp bồi dưỡng dội ngũ giáo viên, CBQL; ……). Cần tổ chức thêm nhiều hội thảo chuyên sâu để phát huy trí tuệ của toàn ngành GD./.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét