Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

CẦN CÓ GIẢI PHÁP MỚI VỀ VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM GIÁO DỤC Ở AN GIANG

I – VÀI VẤN ĐỀ CHUNG:
          Sáng kiến kinh nghiệm ( SKKN ) là những kinh nghiệm tốt, đã mang lại năng suất và hiệu quả lao động cao.
          Tổng kết nhiều SKKN sẽ nâng lên thành lý luận. Đây là con đường nghiên cứu khoa học giáo dục từ thực tiễn. Chúng ta đã tổng kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng nền giáo dục nước nhà.
          Vì thế mà từ lâu ngành giáo dục đã đưa việc viết SKKN thành một tiêu chuẩn để xét thi đua khen thưởng các danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua…Việc quy định nầy là hợp lý vì các giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua cần phải có cái gì đó hơn người, cái mà nổi cộm nhất chính là SKKN.
          Một SKKN tốt phải hội đủ ba tính chất: lý luận, khoa học và thực tiễn.
          Từ những việc vừa nêu trên nên hầu hết các trường trong nhiều năm qua đều phát động phong trào viết SKKN, có trường có đến hàng chục SKKN mỗi năm. Phong trào nầy đã có tác động nhất định đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên bên cạnh đó còn vài vấn đề cần phải xem xét lại.

          II- THỰC TRANG VÀ GIẢI PHÁP:

          II.1 - Thực trạng:
          Mỗi năm cả tỉnh có hàng trăm SKKN được xếp loại và khen thưởng ở cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Ở các đơn vị sản xuất kinh doanh mỗi năm chỉ cần có vài SKKN là quý lắm rồi, nó sẽ làm cho đơn vị đó phát triển tốt, đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Ngành giáo dục của ta có nhiều SKKN như thế theo lẻ chất lương giáo dục phải tốt chứ tại sao dư luận xã hội còn băn khoăn cho chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu? Đây có lẽ là do chất lượng SKKN chưa đảm bảo tính khoa học và phạm vi ứng dựng của nó.
          Trong đợt khen thưởng sáng kiến sáng chế những năm trước đây của tỉnh An Giang, chúng tôi được Sở giáo dục giao nhiệm vụ  xem xét các SKKN loại A cấp tỉnh của ngành giáo dục trong 10 năm vừa qua để đề nghị Sở khoa học khen thưởng sáng kiến sáng chế. Bỏ ra hàng tuần đọc lại các SKKN loại A của ngành chỉ tìm được vài bài đề nghị khen về “ vận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật”, Không tìm được một SKKN nào thòa mãn điều kiện của một sáng kiến, sáng chế mà tỉnh đề ra, đó là:
-        Phải mới
-        Đã áp dụng trong phạm vi huyện, tỉnh, khu vực…
-        Mang lại lợi ích kinh tế như thế nào.
Chỉ dựa vào hai tiêu chuẩn đầu đã là khó đạt, phần nhiều SKKN sau khi chấm chọn được đem chôn cất ở kho.
          Trong nhiều năm SKKN chỉ quanh quẩn các chủ đề quen thuộc chẳng hạn như: làm thế nào để nâng cao đạo đức cho học sinh, để duy trí sỉ số, phụ đạo học sinh yếu kém, cải tiến phương pháp dạy học bộ môn…Mới nhìn thì thấy vấn đề rất hấp dẫn, nhưng đọc qua thì thấy các giải pháp cứ chung chung, na ná như nhau. Do mỗi năm để đạt danh hiệu thi đua cần phải nặn cho ra được một SKKN, có giáo viên không còn chủ đề để viết nên chọn đề tài là” Kinh nghiệm để viết một SKKN loại A”.
          Qua việc tư vấn cho một số giáo viên viết SKKN, chúng tôi nhận thấy giáo viên chưa được huấn luyện đầy đủ về viết SKKN, họ chưa nắm được thế nào là một SKKN, mục đích ý nghĩa của nó, kỹ thuật tiến hành…Họ chỉ dựa theo mẫu hay dựa dẩm theo một SKKN nào đó để viết.
          Phần nhiều các trường không có kế hoạch ngay từ đầu năm, đợi đến ngày gần hết thời gian quy định mới nhắc nhở, hối thúc viết SKKN rồi tổ chức chấm chọn đại khái sau đó chuyển về trên chấm cho đạt chỉ tiêu. Có vài hiệu trưởng nhìn nhận việc viết SKKN của giáo viên thực ra phần nhiều chỉ mang tính hình thức, giáo viên thường viết ra để đối phó nên đề tài thường đơn điệu, cũ rích, giải pháp sáng kiến chưa có gì mới, chưa vượt qua sự chỉ đạo chuyên môn của ngành, chấm cho có giải, chủ yếu là động viên phong trào.

          II.2- Giải pháp mới
1)    Phong trào viết SKKN nên duy trì hay bỏ đi?
              Chúng ta cần duy trì phong trào nầy nhưng cải tiến lại cách tổ chức quản lý cho có hiệu quả hơn vì các lý do sau đây:
          -Nó có nhiều lợi ích: thông qua viết SKKN người giáo viên phải tham khảo tài liệu, nhìn lại quá trình công tác của mình để rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, từ đò mà từng bước nâng cao được trình độ.
          -Từ các SKKN có giá trị, có thể tổng kết nâng lên thành lý luận áp dụng đại trà cho toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
          -Đây là chủ trương chung của cả nước.
          2) Có nên đưa việc viết SKKN thành tiêu chuẩn thi đua không?
          An Giang ta đã có thời kỳ không đưa SKKN vào tiêu chuẩn xét thi đua và đương nhiên phong trào nầy bị đình trệ trong thời gian ấy. Sau đó phải phục hồi lại cho đến ngày hôm nay. Xét về bản chất của SKKN ( như đã trình bày ở mục I ) thì nên đưa vào tiêu chuẩn thi đua, nhưng cần thiết phải cải tiến lại  về tổ chức quản lý cho phù hợp tránh hình thức chạy theo thành tích.
3)-Một số khuyến nghị về cải tiến:
             3.1. Đối với Sở GD&ĐT và Phòng GD.
          -Hướng dẫn viết SKKN thật cụ thể rõ ràng, nên có mẫu in sẳn, người viết chỉ cần điền chi tiết cụ thể vào. Nội dung chính của SKKN là những giải pháp mới thật cụ thể, đặc sắc và kết quả nổi trội gặt hái được nhờ những cải tiến mới nầy.
            -Đánh giá SKKN gắn liền với với công tác thực tiễn ở đơn vị, thành tích cá nhân được nhà trường và tập thể công nhận. Tránh hình thức, chỉ dựa vào văn bản ( có khi mượn ở đâu hoặc mượn viết hộ ). SKKN xếp loại A được bảo lưu từ 3 đến 5 năm trong việc xét các danh hiệu thi đua.
          -Nên chọn một số SKKN có giá trị, cần thiết cho việc nâng cao chất lượng giáo dục tổ chức nhân rộng theo các bước sau đây:
        Bước 1: Dựng lại SKKN
          Chọn người có trình độ nghiên cứu khoa học giáo dục, tổng kết kinh ghiệm giáo dục về các đơn vị có SKKN kiểm tra lại thực tiễn và cho tiến hành lại một năm học, đánh giá kết quả đạt được. Trên cơ sở đó mà khẳng định tính đúng đắn và khoa học của SKKN.
        Bước 2: Triển khai làm thử ở một số đơn vị khác, cho nhiều giáo viên khác thực hiện các giái pháp cải tiến một năm học. Đánh giá phân tích kết quả đạt được.
       Bước 3: Cho triển khai đại trà trong toàn tỉnh.
          Trong hàng vạn giáo viên và cán bộ quản lý của ngành giáo dục hàng năm có nhiều SKKN có giá trị nhưng vì nó mang tính chất cá nhân, sự phấn đấu nỗ lực của một con người, thiếu tính phổ quát khoa học nên không nhân ra đại trà được. như vậy chưa thật sự phát huy trí tuệ củ đội ngũ.
             3.2-.Đối với trường học
          -Cần coi trọng việc cải tiến đổi mới, nó là yêu cầu bức xúc hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục, viết SKKN chỉ là hệ quả của việc cải tiến. Cần tránh hình thức thiếu thực chất, chạy theo thành tích.
          -Tổ chức tập huấn cho giáo viên biết thế nào là sáng kiến kinh nghiệm, mục đích ý nghĩa của việc viết SKKN, kỹ thuật trình bày SKKN, tiêu chuẩn chấm chọn, định hướng cải tiến đổi mới của trường…để cho giáo viên có nhận thức đúng và phấn đấu thực hiện.
-Ngay từ đầu năm học, mỗi trường căn cứ vào kết quả đạt được trong năm học qua mà chọn các đề tài cụ thể giao cho giáo viên có trách nhiệm thực hiện. Phân công trong Ban giám hiệu theo dỏi giúp đỡ, đôn đốc nhắc nhở tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có thể thực hiện tốt SKKN của mình.
          -Chấm chọn chính xác công bằng, khen thưởng thỏa đáng.

          III- KẾT LUẬN.
          Phong trào viết SKKN là hết sức bổ ích và cần thiết, nó sẽ góp phần tích cực vào việc cải tiến đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục nếu như ta biết tố chức quản lý nó. Viết SKKN là một công việc mang tính khoa học vì thế mà gặp không ít khó khăn phức tạp, nhất là trong tình hình đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý có giới hạn nhất định. Hi vọng rằng trong thời gian tới Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của trường Đại học An Giang sẽ sẳn sàng phối hợp với các trường, các phòng giáo dục và Sở GD&ĐT An Giang để thực hiện tốt phong trào SKKN góp phấn nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét