Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC BỆNH HÌNH THỨC, THÀNH TÍCH TRONG NGÀNH GIÁO DỤC TỈNH AN GIANG


I-ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNG HÌNH THỨC VÀ THÀNH TÍCH?

Qua một năm thực hiện Chỉ thị 19/2005/CT-UBND của UBND tỉnh về “Hạn chế các hoạt động, quy định mang tính hình thức nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh An Giang” đã có những thành tựu đáng trân trọng, bước đầu khắc phục được một số bệnh hình thức, thành tích. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn những hạn chế nhất định chẳng hạn như: việc đánh giá học sinh còn quá rộng, dễ dải thiếu thực chất; phong trào sáng kiến kinh nghiệm thực chất vẫn là hình thức; việc cho trước câu hỏi ôn tập, chấm điểm rộng để có nhiều học sinh khá, giỏi; một số cha me học sinh vẫn còn nặng tư tưởng thành tích…..
Những hạn chế của An Giang cũng giống như tình hình chung của cả nước hiện nay, cá biệt có tỉnh/thành còn nghiêm trọng hơn An Giang rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng nầy, các nguyên nhân cơ bản là:
- Cơ chế và một số quy định chung về thi đua, kiểm tra đánh giá, thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo bồi dưỡng sử dụng, chính sách đải ngộ cán bộ quản lý……không phù hợp.
- Phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chưa đảm bảo đúng yêu cầu, trong đó đáng quan tâm nhất là thiếu trung thực, chạy theo thành tích.
- Phẩm chất và năng lực của đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo đúng yêu cầu, trong đó đáng quan tâm nhất là thiếu trung thực, chạy theo thành tích.
- Phụ huynh học sinh vẫn còn nặng tư tưởng thành tích dẫn đến tình trạng “chạy trường tốt, “chạy điểm”. “gởi gấm”, gò ép con em học thêm tràn lan….

II-CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG BỆNH HÌNH THỨC.

An Giang có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hình thức như trình bày ở trên, các nguyên nhân nầy có nhiều điểm tương đồng với cả nước, do từ cơ chế quản lý chung mà ra, các giải pháp thực hiện khó thoát khỏi quỷ đạo chung của cả nuớc. Vì thế, khó có thể có các giải pháp cách tân có tính đột phá, vì nó sẽ bị ràng buộc bởi những quy định chung. An Giang muốn có giải pháp riêng của tỉnh có tính đột phá nầy không phải chỉ do một vài cá nhân  nghĩ ra mà cần có trí tuệ tập thể, được tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm chặt chẽ khoa học, không thể tự phát mà có được. Trên cơ sở hệ thống các giải pháp đang tiến hành, trước mắt chúng tôi xin đề ra một vài giải pháp cơ bản cho việc chống  bệnh thành tích ở An Giang.

            II.1. Giải pháp về cán bộ quản lí

Trong chiến lược phát triển giáo dục cho đến năm 2020 của Chính Phủ đề ra hai giải pháp cơ bản đó là: đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa và đổi mới đội ngũ giáo viên cán bộ quản lí, trong đó khâu đột phá là đổi mới quản lí, muốn đổi mới quản lý điều kiện tiên quyết là cán bộ quản lý phải có đủ phẩm chất và năng lực cần thiết. Cán bộ quản lí có vai trò cực kì quan trọng trong đổi mới quản lí và chống bệnh hình thức. Nếu như cán bộ quản lý giáo dục có đầy đủ phẩm chất theo đúng yêu cầu của Đảng và Nhà nước đặt ra chẳng hạn như trung thực, thật thà, dũng cảm…..thì làm gì có chuyện bệnh hình thức xãy ra? Nếu như Ban giám hiệu Nhà trường không hình thức, trung thực thì có giáo viên nào dám không trung thực và hình thức? Vì vậy cần phải quan tâm tới đội ngũ này trước tiên.

II.1.1. Củng cố và sàng lọc đội ngũ cán bộ quản lí
1) Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kiểm định chất lựơng cán bộ quản lí từ đó mà rà soát đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lí một cách khoa học, trên cơ sở đó để bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt.....
2) Mạnh dạn miễn nhiệm ngay những cán bộ quản lí thiếu nhiệt tình, thiếu năng lưc, thiếu trung thực, chạy theo hình thức…. Đặc biệt là những đối tượng không muốn làm cán bộ quản lí, bản chất công tác quản lí lãnh đạo phải tự nguyện mới quyết tâm phấn đấu rèn luyện phẩm chất năng lực lãnh đạo quản lí.
3) Mạnh dạn miễn nhiệm các cán bộ quản lí làm việc hết nhiệm kì (5 năm) mà hiệu quả công tác thấp, “trung bình chủ nghĩa”.
4) Mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ có tâm huyết. Thực hiện tốt công tác cán bộ kế cận dự bị. Trong hơn 16.000 giáo viên của tỉnh mà thiếu cán bộ quản lí thì phải xem lại quan điểm và cách làm của tỉnh ta về công tác cán bộ.

II.1.2. Bồi dưỡng cán bộ quản lí
            Cán bộ quản lý giỏi, có đầy dủ phẩm chất và năng lực cần thiết sẽ có đủ bản lĩnh chống bệnh thành tích, hình thức có hiệu quả bằng chính công tác quản lý thực tiễn của mình. Bệnh hình thức, chạy theo thành tích là biểu hiện sự yếu kém cả về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý.
Phần lớn cán bộ quản lí của tỉnh đều được bồi dưỡng theo chương trình cũ, hoặc chương trình mới, qua thực tiễn giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng CBQL và nghiên cứu thực tế ở các trường chúng tôi thấy còn không ít CBQL chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của nhà trường. Qua nghiên cứu giảng dạy chương trình bồi dưỡng CBQL mới, có thể nói nội dung thừa những kiến thức xa vời, thiếu những kiến thức cần thiết phục vụ cho công tác thực tiễn. Trong thời gian qua ta lại áp dụng máy móc các chương trình mà không vận dụng linh hoạt nó cho phù hợp với tình hình của tỉnh nên chất lượng bồi dưỡng còn giới hạn. Một điều đáng nói là không ít cán bộ ngại nghiên cứu học hỏi, lười suy nghĩ, thích làm theo kinh nghiệm cũ, ngán ngại đổi mới, thiếu sáng tạo. Để nâng cao trình độ, năng lực cho CBQL. Chúng ta nên tiến hành các việc:
           
1) Tổ chức có chất lượng các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lí theo chương trình, bồi duỡng mang tính chất đào tạo; tổ chức cho các đối tượng đương chức, kế cận và dự bị. Mạnh dạn đổi mới phương thức bồi dưỡng theo hướng tăng kĩ năng quản lí hơn  là nhận thức lí thuyết. Đánh giá nghiêm túc kết quả bồi dưỡng.
2) Tổ chức các lớp chuyên đề ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của từng địa phương.
3) Tổ chức hoạt động “câu lạc bộ hiệu trưởng” để trao đổi kinh nghiệm quản lí và tìm giải pháp mới cho quản lí nhà trường, đồng thời bồi dưỡng những phẩm chất cần thiết cho người cán bộ quản lý giáo dục.


II.1.3. Chế độ chính sách đối với cán bộ quản lí
Thực tế, chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lí hiện nay là không thu hút, không kích thích cán bộ quản lý. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên giỏi, có năng lực không muốn làm quản lí ở trường học cũng như đưa về các cơ quan quản lý. Ở các nước, người đứng đầu một tổ chức thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với người khác trong đơn vị.
Trong thời kỳ bao cấp, An Giang là một tỉnh có chế độ đãi ngộ rất tốt đối với ngành giáo dục nhờ đó mà phong trào giáo dục của An Giang những năm ấy phát triển rất tốt trong vùng. Chúng tôi thấy rằng ngoài chế độ chung của cả nước, An Giang nên nghiên cứu có chính sách ưu đãi riêng thỏa đáng cho cán bộ quản lí. Đội ngũ này không nhiều, nhưng nếu họ thực sự quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm chuyển biến chất lượng giáo dục.

Như vậy giải pháp hàng đầu cần tiến hành mạnh mẽ là củng cố, sàng lọc đội ngũ cán bộ quản lí, đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo bồi dưỡng, chế độ chính sách thỏa đáng. Sự đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả rất cao vì đây là khâu đột phá trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.

II.2. Quản lí tốt chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực trong kiểm tra đánh giá
Đây là vấn đề khó khăn phức tạp nhất, không chỉ riêng của An Giang mà của chung của cả nước. Khó khăn này rất nghiệt ngã tạo nên nhiều nghịch lí.
Để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, áp lực từ xã hội… Không ít giáo viên, nhà trường đã hạ thấp yêu cầu đánh giá,không đảm bảo thực thi nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Có trường, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên  chỉ được xếp loại hạnh kiểm học sinh từ khá trở lên, có giáo viên dạy rất “tệ” nhưng điểm kiểm tra của học sinh bao giờ cũng từ 7 điểm trở lên. Hiện tượng thiếu trung thực trong đánh gía kiểm tra không phải là hiếm. Cái mà giáo dục hiện nay cần là sự trung thực. Vịêc đánh giá quản lí chất lượng sẽ quyết định cho việc cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học. Từ lâu ta quá chú ý đổi mới phương pháp dạy - học nhưng ít chú ý đến quản lý chất lượng nên hiệu quả đổi mới phương pháp chưa nhiều. Những việc cần thiết nên làm là:

1) Quản lí chặt chẽ việc đánh giá cho điểm của giáo viên. Chấm dứt tình trạng dạy học giáo dục không ra làm sao, nhưng đánh giá học sinh là tốt, giỏi , gian dối như thế là tự lừa dối mình lừa dối xã hội. Cán bộ quản lí trường học phát hiện nhận diện ra các giáo viên  này không phải là khó, có điều là có mạnh dạn cương quyết hay không hay là làm ngơ, thậm chí “bật đèn xanh” cho giáo viên!
2) Tổ chức quản lí chặt chẽ vịêc kiểm tra 1 tiết thi học kì.( ra đề chung, cắt phách, chấm chéo,…). Việc này có một số trường đã làm và có hiệu quả tốt.
3) Thông qua hai kì thi quan trọng: thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học mà phân loại đánh giá từng giáo viên. Từ trước đến nay ta thường chú ý đến tỉ lệ tốt nghiệp để xếp hạng chất lượng giáo dục giữa các trường. Từ nay cần tính điểm trung bình cộng của từng môn thi cho từng lớp, từng trường để đánh giá chất lượng sẽ đảm bảo chính xác khoa học và có tác dụng tốt ( cách mà Bộ GD-ĐT đã làm trong kỳ thi tuyển sinh Đại học ).
4) Trong khi chờ đợi Bộ có bộ công cụ chuẩn đánh giá, An Giang nên đầu tư xây dựng bộ công cụ này để đánh giá chất lương giáo dục ở các trường chính xác khoa học, làm cơ sở cho việc quản lí chất lượng giáo dục và có giải pháp chủ trương sát hợp với thực tiễn. Tránh được tình trạng “vừa thổi còi trọng tài vừa đá bóng” trong kiểm tra đánh giá.


Đã đến lúc chúng ta phải can đảm mạnh dạn chấp nhận sự thật, sự trung thực trong giáo dục. Phải nói KHÔNG với tiêu cực trong giáo dục, mà đánh giá không trung thực trong giáo dục là tiêu cực. Từ nay toàn xã hội cần lên án hiện tượng thiếu trung thực trong giáo dục, phải xem việc thiếu trung thực trong giáo dục là một tội giống như tội làm hàng giả.



II.3. Xây dựng đôi ngũ giáo viên:
Giáo viên trực tiếp quyết định đến chất lượng giáo dục, nhưng đội ngũ giáo viên của ta hiện nay, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nhất là phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

II.3.1 Sàng lọc đội ngũ giáo viên.
Cần mạnh dạn tiến hành nhanh chóng sàng lọc đội ngũ giáo viên theo chủ trương của tỉnh. việc sàng lọc đổi với những người không đủ bằng cấp tương đối dễ, nhưng khó khăn là đối với giáo viên có đủ bằng cấp nhưng không đảm đang được nhiệm vụ, thiếu nhiệt tình, thiếu trung thực. Với đối tượng này, vai trò của nhà trường là rất quan trọng, phải quản lí chất lượng nghiêm túc kết hợp với bộ phận đánh giá của Sở GD-ĐT để sàng lọc.
UBND tỉnh nên cho thành lập một tổ chức chương trình mục tiêu, thành phần gồm Sở GD-ĐT và Trường Đai học An Giang có chức năng thẩm định một số trường hợp giáo viên có đủ bằng cấp nhưng năng lực kém, không đủ sức thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ, tích cực tìm các kẻ hở của công tác quản lý đẻ đối phó chạy theo hình thức.
Hiện nay nguồn nhân lực cho ngành giáo dục không phải là thiếu, chúng ta có đủ điều kiện, thời cơ để mạnh dạn sàng lọc đội ngũ. Đã đến lúc phải loại bỏ ngay những giáo viên thiếu lương tâm nghề nghiệp, đối phó, hình thức, thiếu trung thực trong công tác giáo dục. Muốn làm được việc nầy cần mạnh dạn bổ sung thêm hình thức kỹ luật nặng đối với những ai thiếu trung thực trong ngành giáo dục An Giang.

II.3.2 Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
1) Hiệu trưởng các trường cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của mình bằng nhiều hình thức với những nội dung thiết thực, bổ ích, nhất là phải thường xuyên bồi dưỡng về phảm chất đạo đức, các giá trị cần có của một nhà giáo hôm nay chẳng hạn như lòng trung thực, lương tâm nghề nghiệp, thiên chức nhà giáo…. Quản lí chất lượng, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ giáo viên là một thể thống nhất. Thực tiễn các trường tiên tiến đều làm tốt khâu này mà đảm bảo được chất lượng giáo dục.
2) Cần xây dựng mạng giáo dục, nối mạng liên kết, trao đổi thông tin thường xuyên giữa trường ĐHAG với Sở GD&ĐT An Giang và các trường để nâng cấp công tác thông tin trong ngành giáo dục. Thông tin là đối tượng của quản lý, mạng lưới thông tin hiện đại chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao, vì nó sẽ giúp cho thông tin thông suốt trong hệ thống quản lí giáo dục, giúp cho hệ thống giáo dục vận hành tối ưu.
3) Nên tiến hành khảo sát đánh giá chính xác thực trạng tay nghề đội ngũ giáo viên phổ thông để có giải pháp bồi dưỡng thích hợp.



III. KẾT LUẬN .

Qua một năm thực hiện Chỉ thị 19/2005/CT-UBND của UBND tỉnh về “Hạn chế các hoạt động, quy định mang tính hình thức nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh An Giang” đã có những thành tựu đáng trân trọng, bước đầu khắc phục được một số bệnh hình thức, thành tích. Tuy nhiên chúng ta còn nhiều vấn đề phải đầu tư giải quyết cho chất lượng giáo dục An Giang ngang tầm với các tỉnh trong vùng. Những giái pháp hàng đầu cần tập trung giái quyết là : quản lí chặt chẽ chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực trong kiểm tra thi cử; sàng lọc đội ngũ giáo viên cán bộ quản lí trong toàn ngành, ra sức xây dựng đội ngũ này vững mạnh bằng nhiều biện pháp tích cực cương quyết. Chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành đựơc Nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh Uỷ An Giang về giáo dục.
Để hạn chế các hoạt động, quy định mang tính hình thức nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành Giáo dục- Đào tạo tình An Giang, cần rà soát lại, đánh giá rút kinh nghiệm các đề án giáo dục đã triển khai. Nên có một chương trình nâng cao chất lượng giáo dục do UBND tỉnh/Sở GD&ĐT Chủ trì, trong chương trình nầy có nhiều dự án cụ thể ( chẳng hạn như: kiểm định đánh giá chất lượng quản lý Trường Tiểu học, THCS,THPT; xây dựng bộ công cụ đánh giá kiểm định chất lượng các môn văn hóa; giải pháp bồi dưỡng dội ngũ giáo viên, CBQL; ……). Cần tổ chức thêm nhiều hội thảo chuyên sâu để phát huy trí tuệ của toàn ngành GD./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét