Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

CẢM NHẬN VỀ NHÂN TÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY



                                                                                                  La Hồng Huy

          Báo điện tử Đất Việt có tổ chức thăm dò ý kiến đọc giả về xử lý đối với cẩu tặc bị bắt, kết quả đến chiều ngày 16 tháng 7 năm 2013  như sau:

Khi bắt được cẩu tặc theo bạn người dân có nên:
Đánh chết kẻ trộm chó
46.48%
8549 phiếu
Đánh cho tàn tật
35.84%
6591 phiếu
Báo cơ quan công an
17.68%
3251 phiếu
                                                    Tổng cộng: 18391 phiếu

          Báo Đất Việt là tờ báo của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, có tỉ lệ đáng kể đọc giả là thành phần trí thức, giả định như đại diện được trên 50% các tầng lớp của người Việt Nam, dựa vào kết quả thống kê ở trên tôi xin có vài cảm nhận về nhân tính của người Việt Nam hiện nay.

          Lòng nhân ái là giá trị đạo đức của người Việt Nam từ lâu đời, "thương người như thể thương thân" là câu ca dao phổ biến trong xã hội. Con người là vốn quý giá nhất "mạng sống hơn đống vàng", "cứu một mạng người hơn lập nhiều ngôi chùa"...Trong chiến lược phát triển đất nước, Nhà Nước xem "con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển".

          Về mặt luật pháp, điều 71 Hiến pháp năm 1992 xác định:"Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân."

          Như vậy hành vi đánh cho tàn tật và đánh chết kẻ trộm chó là trái với đạo lý truyền thống của dân tộc và vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Nhưng điều đáng quan tâm ở đây là có đến 82,32% người dân có ý kiến ủng hộ sai làm nầy, chỉ có 17,68% là có ý tốt, đúng đạo lý và pháp luật mà thôi! Đã có nhiều vụ án kẻ trộm chó bị cả xóm vây đánh cho đến chết, thậm chí khi bị thương nặng người dân cản xe công an đưa tên trộm chó đi cứu cấp, cuối cùng là tử vong! Tội trộm chó chỉ là trộm vặt, có đáng chết không? Vì sao tình trạng lại đến nỗi nầy?

          Chó là một vật nuôi khôn ngoan, rất trung thành với chủ vì thế nhiều người xem chó như một "người thân" của mình, có tình cảm thật sự với nó. Ở các nước phương Tây có luật bảo vệ riêng. Về giá trị trao đổi, mỗi loài chó có giá trị kinh tế khác nhau, đối với chó trộm đem bán thịt thì chỉ được non triệu đồng là cùng, có loài rất quý giá, chẳng hạn như chó ngao giá của nó cao hơn tiền bồi thường sinh mạng của một con người khi bị tai nạn giao thông!...Nhưng dù sao nó vẫn là một con vật.

          Điều làm tôi trăn trở, đau lòng nhất là có nhiều vụ người dân bị kẻ cướp đánh chém, kêu cứu đến hơi tàn mà chẳng ai cứu giúp kịp thời để phải tử vong, sự vô cảm của người Việt Nam đã đến tột cùng! Trong khi một con chó bị trộm là cả xóm đuổi giết tên trộm chó. Mặc dù những vụ/việc xãy ra có tính cá biệt ở vài địa phương, nhưng đó là một vết nhơ khó phai mờ trong nền văn hóa ngàn năm. Thực tế điều tra 18.391 đọc giả của báo Đất Việt có đến 15.140 người có ý kiến ủng hộ bạo hành, một con số quá ái ngại cho an nguy xã hội. Những số liệu và sự việc đã nêu là những dấu hiệu báo động đỏ, những chỉ báo cuối cùng của đạo đức xã hội, sự tôn trọng và thực thi luật pháp.

          Hiện tượng cả xóm đánh chết kẻ trộm chó đáng thương chỉ là một tảng băng chìm trong xã hội có nguy cơ bạo lực gia tăng không ngừng, nhiều vụ việc đánh nhau khắp nơi kể cả trong nhà trường, nơi tôn nghiêm, giết người vì những lý do "không đâu" hay chỉ vì tiền của không đáng là bao đã diễn ra ngày càng nhiều, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, mức độ ngày càng tàn nhẩn, mất tính người...

          Những người có trách nhiệm trị an và cộng đồng phải khẩn cấp chận đứng hiện tượng bạo hành dưới bất kỳ hình thức nào. Cơ quan luật pháp cần phải điều tra tìm ra thủ phạm gây thương vong cho những người trộm chó, trừng trị thích đáng theo pháp luật để làm gương, để tái lập lại đạo đức xã hội. Các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi côn đồ xử lý theo luật "giang hồ" bất chấp luật pháp và đạo lý.
         

63 MÙA MƯA



          Màu nước son sông Mêkong đậm dần sau những đợt mưa dầm nặng hạt, bao phù sa tranh nhau chạy ồ ạt ra biển Đông, nguồn gốc và số phận của những cát bụi nầy có ai thấu hiểu? Có thể là hoa cỏ, chim thú, vi sinh, người đẹp, cụ già...từ Tây Tạng, Miến Điện, Lào, Campuchia....rồi đến đây...rồi nằm xuống nơi chín cửa sông hay đi về Cà Mau...ra ngàn khơi, nằm trong các lớp trầm tích muôn đời...Chờ một chuyển động tạo sơn mới để nỗi lên thành cao nguyên, đỉnh núi mới ở hàng triệu năm sau...rồi sẽ tiếp tục hành trình trở về biển...
          63 mùa mưa thật là ngắn ngủi đối với thiên nhiên, đời người có gì đâu mà quá bận tâm với người đời? Nhưng nếu không bận tâm thì không còn là con người nữa.
(Trích: Suy tư lần sinh  nhật lần thứ 63- La Hồng Huy)
 

Sự vô cảm của cộng đồng và công an đến thế nầy là cùng!

                                                                                                La Hồng Huy



           Chiều ngày 15/7, trao đổi qua điện thoại với PV báo Đất Việt, một công an viên thị trấn Dùng đã xác nhận: Sự việc anh Trung và anh Điền bị nhóm thanh niên chém trọng thương vào tối ngày 8/7, tại thị trấn Dùng (Thanh Chương - Nghệ An), lực lượng an ninh thị trấn cũng có mặt chứng kiến nhưng "an ninh thị trấn không dám vào can ngăn".
          Chiến sĩ công an viên này phân trần: " Hôm xảy ra sự việc, có 3 đồng chí công an thị trấn có mặt tại hiện trường chứ không phải 5 người như nạn nhân đã nói. Khi đó đám thanh niên trên tay có mã tấu, lại hung bạo trong khi các chiến sĩ công an viên chỉ có gậy cao su trong tay nên đã không dám vào can ngăn sự việc".
          "Anh Giang – người nhà anh Trung và cũng là người có mặt tại hiện trường đưa anh Trung và anh Điền đi cấp cứu kể lại: “Khi tôi đến hiện trường, có thấy Trung và Điền nằm bất tỉnh trên vũng máu, thấy nhiều công an mặc áo xanh đứng xung quanh bảo vệ hiện trường nhưng tuyệt nhiên không ai đưa 2 người đi cấp cứu mặc dù vụ việc xảy ra ngay trước cổng bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương. Lúc đưa hai người vào viện cũng chỉ có tôi đưa vào mà người dân cũng chỉ đứng nhìn."

          Sự việc nầy giải thích được vì sao các công ty vệ sỹ đang lớn mạnh ở khắp các tỉnh/thành. Các bạn ơi mình không có tiền mướn vệ sỹ thì cố gắng mà học võ thuật để có thể tự bảo vệ mình và người thân.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

CHÍNH SÁCH HÔN NHÂN MỚI



                                                                                                 La Hồng Huy

           Gần đây có nhiều dư luận về đề xuất của TP Hồ Chí Minh, nội dung có 2 vấn đề chính: phải khám sức khỏe trước khi kết hôn và nữ không được mang thai sau 33 tuổi. Chính sách nầy đúng hay sai? Có khả thi hay không?

          Con người có nhiều bệnh tật nguy hiểm, nguyên nhân do bất thường sinh lý, nhiễm trùng và do di truyền. Khám sức khỏe toàn diện trước khi kết hôn là tốt. Nhưng khám sức khỏe phải có chất lượng chứ không phải kiểu hình thức cho có thủ tục hành chánh kiểu khám sức khỏe thi bằng lái xe. Đây là lợi ích lâu dài cả đời của vợ chồng và con cái. Ngoài xác định các bệnh tật về nhiễm trùng, về sinh lý, cần phải xác định được các gen bệnh tiềm ẩn. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm nhà chuyên môn sẽ thông báo những bệnh tật của đôi vợ chồng sau hôn nhân cũng như con cái của họ sau nầy để cho họ có quyết định tiếp tục cuộc hôn nhân hay không là quyền của họ chứ không thể cấm cản họ được (vì vi phạm tự do cá nhân và nhân quyền). Đối với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay để làm được có chất lượng chủ trương nầy là không khả thi.
          Theo nhiều công trình nghiên cứu đã công bố thì có một tỉ lệ đáng kể phụ nữ trên 33 tuổi (có công trình xác định trên 35 tuổi) có hiện tượng không phân ly nhiễm thể, con cái của họ có thể là có 45 nhiễm thể hoặc 47 nhiễm thể (số nhiễm thể bình thường của con người là 46 nhiễm thể). Sự thiếu hay thừa một nhiễm thể sẽ gây bệnh di truyền không có thể nào chửa trị được với trình độ y học hiện nay, chẳng hạn như bệnh down, bán nam bán nữ... Chỉ có một tỉ lệ nào đó phụ nữ bị hiện tượng không phân ly nhiễm thể mà thôi (chứ không phải 100%), tỉ lệ nầy thay đổi theo sắc tộc, điều kiện sống, mội trường...Vì vậy việc cấm phụ nữ trên 33 tuổi kết hôn là không phù hợp trên đại trà phụ nữ. Chủ trương nầy chỉ có thể kết hợp với chủ trương khám sức khỏe trước hôn nhân như trình bày ở trên mà thôi.

          Tuy chủ trương có cơ sở khoa học nhưng không nên thực hiện trong hoàn cảnh của Việt Nam hôm nay, những người làm công tác quản lý nên đầu tư chất xám nhiều hơn trước khi đưa ra một chủ trương/quyết định quan trọng, tránh biến con người thành vật thí nghiệm oan uổng như những bài học đau thương đã từng xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như thực hiện thất bại mô hình đại học hai giai đoạn (ở nước ngoài người ta làm thành công nhưng áp dụng máy móc vào Việt Nam thì thật là thảm hại).

THỰC TRẠNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM


                                                                                                         La Hồng Huy

          Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) (TI) là tổ chức theo dõi tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới đã tiến hành cuộc thăm dò ý kiến theo phương thức hỏi trực tiếp 1000 người tại 15 đơn vị địa phương ở Việt Nam trong 3 năm. Kết quả cụ thể có đến 72% người được hỏi xác định là ngành cảnh sát tham nhũng nhất, 58% cho rằng đó là ngành y tế và 55% thấy rằng đó là giới công chức.
          Kết quả trả lời cho câu hỏi về hành động hối lộ đã tiến hành cho thấy tỷ lệ hành vi hối lộ cho cảnh sát cao nhất: 48%, theo sau là việc hối lộ trong lãnh vực dịch vụ y tế (22%) và lãnh vực nhà đất (21%).
          Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) sử dụng phương pháp điều tra xã hội học, với đội ngũ chuyên gia giỏi, chọn cỡ mẫu 1000, chọn mẫu phân tầng...trong điều kiện khó khăn của Việt Nam đã tiến hành điều tra ở nhiều địa bàn đại diện, kết quả điều tra khá chính xác, đảm bảo được độ tin cậy nhất định. Là đồng nghiệp ở Việt Nam, nhiều năm làm công tác nghiên cứu xã hội tôi trân trọng  và đánh giá cao việc làm của TI. Rất mong TW. Đảng, Chính phủ và Quốc hội căn cứ các số liệu điều tra của TI mà có biện pháp quản lý xã hội tốt hơn cho dân bớt khổ và hình ảnh của Việt Nam trên thế giới đẹp hơn, xứng đáng với một dân tộc có nền văn hiến lâu đời.

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

GIẢI PHÁP CHO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC AN GANG



GIẢI PHÁP CHO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC AN GANG


                                                                                        La Hồng Huy
                                                                       Báo cáo tham luận tại Hội nghị Tổng kết

 

I . TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỈNH AN GIANG


Giáo dục An Giang có nhiều thành quả đáng tự hào, quy mô giáo dục không ngừng tăng lên, mạng lưới trường lớp được mở rộng, số lượng học sinh THCS và THPT tăng nhiều, nhiều đơn vị đã được công nhận phổ cập THCS. Hệ giáo dục chuyên nghiệp được củng cố và phát triển mạnh, trường ĐHAG đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Chất lượng giáo dục được củng cố và từng bước có tăng lên so với trước đây, công tác quản lý được từng bước đổi mới. Giáo dục đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh những thành tựu, giáo dục còn một số yếu kém cần quan tâm khắc phục.
* Tỉ lệ học sinh phổ thông bỏ học còn cao so với trung bình chung cả nước. Tỉ lệ % học sinh bỏ học của An Giang/tỉ lệ % học sinh bỏ học cả nước năm học 2003 – 2004 là:
·       Tiểu học            :         4,6 / 2,63
·       THCS                :         10,9 / 5,72
·       THPT                :         17,5 / 7,71
* Chất lượng học tập các môn văn hóa của học sinh phổ thông còn thấp hơn tỉ lệ trung bình chung cả nước, điều này được thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp Tú tài và kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2005. Phân tích phổ điểm thi 3 môn của 15.625 lượt thí sinh có hộ khẩu tại An Giang dự thi vào các trường đại học và cao đẳng trong cả nước cho thấy phần lớn học sinh chỉ đạt từ 2,5đ đến 10đ cho tổng số 3 môn thi; số học sinh trên 20đ là rất ít.
* Sự phân luồng học sinh phổ thông chưa hợp lý
* Đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Chất lượng đào tạo ngành nghề còn hạn chế, cơ cấu đào tạo cũng chưa hợp lý.

 Để đáp ứng cho yêu cầu CNH – HĐH , việc nâng cao chất lượng giáo dục là hết sức cấp thiết.

II. NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH AN GIANG

An Giang là tỉnh có dân số đông hàng đầu của đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2004 dân số toàn Tỉnh 2.177.095 người, chủ yếu sống ở nông thôn. Số người đến tuổi lao động có khả năng lao động là 1.301.856 người chiếm 59,79% dân số toàn tỉnh. Có 1.064.457 người đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, trong đó khu vực I chiếm 73,20%, khu vực II chiếm 7,56%, khu vực III chiếm 19,24%. Hàng năm có khoảng 30.000 người đến tuổi lao động.

Nguồn nhân lực của An Giang rất dồi dào, nhưng chất lượng còn rất hạn chế, trình độ học vấn không cao, tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp mới chỉ đạt 16,25%, còn thấp so với tỉ lệ chung của cả nước. Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB & XH năm 2003 về tỉnh An Giang có:
- 1.006.399 người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ 85,47%.
- 173.023 người có sơ cấp học nghề trở lên chhiếm tỉ lệ 14,53%.
- 69.751 người có bằng CNKT trở lên chiếm tỉ lệ 5,92%. Trong khi đó tỉ lệ này đối với trung bình chung cả nước là 11,84%, đối với đồng bằng sông Cửu Long là 6,03%. Như vậy so với trung bình chung cả nước và các tỉnh trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực của An Giang còn thấp hơn.

Chất lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo còn hạn chế, cơ cấu đào tạo cũng chưa hợp lý, hiện nay cơ cấu đào tạo của An Giang là: 01 đại học cao đẳng; 2,87 trung cấp; 3,67 công nhân kỹ thuật (cơ cấu hợp lý phải là : 01 đại học cao đẳng, 04 trung cấp, 20 công nhân kỹ thuật lành nghề, 60 công nhân kỹ thuật bán lành nghề, 15 lao động giản đơn).

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh An Giang theo kịp các tỉnh trong khu vực và mức trung bình chung cả nước cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực từ nay đến năm 2010.

III. CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ


1. Tập trung thực hiện chỉ thị 40/CT về xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng với sàng lọc đội ngũ, mạnh dạn cho thôi việc, thôi giữ chức vụ đối với giáo viên, CBQL không đáp ứng được yêu cầu, phát huy lực lượng trẻ.

2. Tránh hình thức, chạy theo thành tích ảo. Muốn đạt được yêu cầu này cần đẩy mạnh công tác thanh tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục một cách khoa học, hạn chế được gian dối, thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử.

3. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học giáo dục và quản lý giáo dục ở tất cả các trường học và cơ sở giáo dục khác.

4. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời xây dựng từng bước xã hội học tập.

5. Đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Đại học An Giang.
* Giao cho trường Đại học An Giang làm đầu mối trung tâm trong đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực của Tỉnh.
* Tỉnh Ủy, UBND Tỉnh và các Sở, Ban, Ngành hổ trợ giúp đỡ cho trường ĐHAG thực hiện Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Một số vấn đề trước mắt cần quan tâm là:
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, để cho ĐHAG có thể mở rộng quy mô đào tạo đến năm 2010 đạt tỉ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân ( khoảng từ 30.000 đến 40.000 sinh viên).
- Cho Giảng viên đi học sau đại học, đến năm 2010 có ít nhất 40% đạt trình độ thạc sỹ và 25% đạt trình độ tiến sỹ.
- Bố trí tối thiểu 1% ngân sách tỉnh hàng năm để cho trường ĐHAG thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

6. Để cho các giải pháp thành hiện thực, nên triển khai, quản lý theo hình thức thực hiện từng dự án cụ thể, có quyết định giao cho từng Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện.


GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NẠN BUÔN BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM Ở TỈNH AN GIANG



GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NẠN BUÔN BÁN PHỤ NỮ
VÀ TRẺ EM Ở TỈNH AN GIANG

                                                                   La Hồng Huy *


I-               THỰC TRẠNG BUÔN BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM.

Tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em hiện nay rất bức xúc, theo Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội - Bộ Công an cho biết, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài hiện nay đã trở thành vấn nạn. Trong lịch sử Việt Nam, người phụ nữ chưa bao giờ bị đem bán để làm vợ cho người nước ngoài. Đây là nỗi đau nhức nhối, sự ô nhục của dân tộc.

Đã có hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em bị lừa gạt buôn bán ra nước ngoài. Từ năm 1998 đến nay, ngành công an mới điều tra khởi tố 1.434 vụ, bắt giữ 2.488 đối tượng (trong đó có 1.112 vụ  với 1.991 đối tượng phạm tội mua bán phụ nữ; 322 vụ, 497 đối tượng phạm tội mua bán trẻ em).

Nguy hiểm hơn, đối tượng tội phạm loại này ngày càng tăng cường hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt ở các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam  - Campuchia. Ở các tuyến đường biên này, chỉ tính riêng từ  năm 2000–2004 đã xảy ra 232 vụ, với 474 đối tượng phạm tội mua bán phụ nữ và trẻ em bị bắt giữ. Bên cạnh đó, đã giải thoát cho hàng ngàn phụ nữ, trẻ em thoát khỏi cảnh nô lệ.

Ngoài mục đích môi giới hôn nhân, con nuôi, bọn tội phạm còn lợi dụng phụ nữ, trẻ em Việt Nam để đưa vào ngành công nghiệp tình dục ở nước ngoài để khai thác.  Ước tính của Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, hàng năm có khoảng 500 phụ nữ, trẻ em bị xô đẩy từ nông thôn đến thành thị và qua biên giới để bọn tội phạm đưa vào phục vụ loại tệ nạn này. Riêng ở Campuchia, hiện tại, có khoảng 5.000 phụ nữ, trẻ em bị khai thác và bóc lột tình dục.


Buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em là một loại tội phạm mà cả loài người tiến bộ lên án vì nó xâm phạm nghiêm trọng quyền của phụ nữ, trẻ em, gây hậu quả trực tiếp cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Đây là một vấn đề bức xúc, nóng bỏng, nhức nhối đang có chiều hướng gia tăng, mang tính xuyên quốc gia... Bảo vệ phụ nữ, trẻ em nói chung và phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nói riêng cần được sự quan tâm    


II-             CHÂN DUNG NHỮNG NẠN NHÂN.

               Qua tìm hiểu 32 nạn nhân bị bán qua Campuchia từ 01.01.1998 đến 31.12.2002 trở về đã được Công An tỉnh An Giang xử lý chúng tôi nhận thấy:



1-     Phần lớn nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài với lý do là tìm việc làm.

                                       Bảng số 1. Lý do bị lừa bán ra nước ngoài.

SỐ TT
LÝ DO
TỶ LỆ (%)
1
Đem con đi bán trinh
6,25
2
Tìm việc làm
71,87
3
Bán con
12,5
4
Lấy chồng Đài Loan
6,25
5
Bán dâm
3,12


2-     Phần lớn nạn nhân là nữ tuổi rất trẻ, phần đông là dưới18 tuổi.

                         Bảng số 2: tuổi của nạn nhân lúc bị bán

SỐTT
TUỔI
TỈ LỆ (%)
1
13
6,66
2
14
9,99
3
15
13,33
4
16
23,33
5
17
13,33
6
18
16,66
7
19
6,66
8
20
3,33
9
21
3,33
10
26
3,33

3-     100% nạn nhân đều không có việc làm, hoàn cảnh gia đình nghèo, có nhiều khó khăn, học vấn thấp.

4-     Đâu là nguyên nhân?
              4.1. Sự nghèo đói.
              Hoàn cảnh gia đình nghèo đói, quá nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống, nợ nần chồng chất…….Chỉ cần một lời mời đi làm ăn với thu nhập cao, có nhiều khả năng “đổi đời” thì đa phần chị em hưởng ứng và trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
              4.2.  Thiếu việc làm, thậm chí không có việc làm; việc làm thu nghập thấp, không ổn định ở địa phương, thu nhập không đủ trang trải chi phí cho nhu cầu hàng ngày… làm cho người phụ nữ có nhu cầu tìm một công việc khá hơn để cải thiện cuộc sống, bọn lừa đảo lợi dụng điểm nầy để gạt.
              4.3.  Trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như về xã hội, kiến thức về buôn bán phụ nữ trẻ em còn thiếu, bị đối tượng lừa gạt đưa sang bên kia làm việc kiếm tiền, người dân không biết mình đang bị lừa mà lại cho rằng đang được giúp …
               4.4. Quan hệ yêu đương, thanh niên nam nữ không tìm hiểu kỹ nên bị kẻ xấu lừa.
               4.5. Cha mẹ thiếu lương tâm,bán con để lấy tiền

                   III- GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NẠN BUÔN BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

]                1- Tuyên truyền nâng cao kiến thức cho các nạn nhân bị buôn bán qua biên giới trở về và các đối tượng của các nhóm nguy cơ cao(các em gái và phụ nữ nghèo)  
  1.1- Xây dựng tờ rơi tuyên truyền, tổ chức tình nguyện viên hoạt động trong các địa bàn có nguy cơ cao
            *Nội dung tờ rơi: 
 - Buôn bán người là gì?
- Những thủ đoạn của bọn buôn người?
- Hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu?
- Các quy định pháp luật về bọn buôn người?
- Chúng ta làm gì để phòng ngừa?
- Làm gì khi chúng ta là nạn nhân?
- Một số địa chỉ cần thiết?

Trong quá trình phát tờ rơi, các tình nguyện viên sẽ kết hợp với tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cộng động.
        1.2- Mở chương trình phát ở đài phát thanh và truyền thanh
            Dành 10 phút thứ bẩy hàng tuần cho phát thanh phòng chống buôn bán người.
           *Nội dung của các chương trình:
     + Cung cấp thông tin về nạn buôn bán người và cách phòng chống như: buôn bán người là gì? Ai là nạn nhân của những vụ buôn bán người? Những thủ đoạn của bọn buôn người? Hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu? Các quy định của pháp luật về buôn bán người? Chúng ta phải làm gì khi phát hiện hành vi của bọn buôn bán người? Chúng ta phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán? Làm gì để đề phòng bọn buôn người? Làm gì khi chúng ta là nạn nhân? Một số địa chỉ cần thiết?
     + Một số phóng sự ngắn phản ánh thực trạng buôn bán người  hoặc các vụ án xét xử bọn buôn người tại các địa phương khác nhau trong cả nước.
     + Hỏi đáp thông tin về nạn buôn người do các chuyên gia tư vấn trả lời.
     + 1 tháng 1 lần dành chương trình 10 phút cho diễn đàn của những nạn nhân của buôn bán, hoặc gia đình, nạn nhân chia sẻ về câu chuyện của mình.
     + Gửi các thông điệp chính: buôn người là một tội ác, nạn nhân buôn người không phải là một tội phạm mà cần được giúp đỡ, làm thế nào để phát hiện nạn nhân của buôn người, biểu hiện của bọn buôn người, cần phải làm gì khi bạn là nạn nhân hay bạn biết đó là nạn nhân.

          2-  Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biện pháp phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
          Chị em phụ nữ nắm bắt được các thông tin để biết cách phòng tránh, nâng cao cảnh giác đấu tranh phòng chống tội phạm.

           3- Tổ chức thảo luận nhóm phụ nữ có nguy cơ
          Tổ chức họp nhóm phụ nữ nghèo theo tổ dân cư để nghe thông tin và thảo luận về bình đẳng giới, thủ đoạn lừa đảo của bọn buôn người, những hậu quả của nạn buôn người, các biện pháp phòng tránh…. 
          4- Giúp đỡ các đối tượng bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng
Đây là vấn đề cấp bách. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có kế hoạch số 2065/KH-LĐTBXH thực hiện Đề án tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (Chương trình 130/CP)… Đề án này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về được tiếp nhận, hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, y tế, giáo dục, xã hội phù hợp nhằm giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đề án có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội, y tế, pháp lý thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều ngành, đoàn thể, địa phương nên cần tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trong quá trình triển khai các hoạt động của Đề án.  Việc lồng ghép đề án này với đề án khác thuộc chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005-2010 và các chương trình dự án khác có liên quan, nhằm phát huy nguồn lực, đảm bảo thực hiện có hiệu quả.
Phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về phải được hỗ trợ, giúp đỡ từ khi tiếp nhận và trong suốt quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Trước mắt, cần ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề do bị buôn bán, chưa ổn định cuộc sống; nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đơn chiếc; nạn nhân không còn khả năng lao động và không còn người thân chăm sóc; nạn nhân thuộc hộ nghèo.
          Tìm cách cải thiện về kinh tế cho các đối tượng quay trở về cũng như nhóm chị em dễ bị tổn thương bằng các hoạt động cụ thể như dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho chị em. Mặt khác lập các dự án hỗ trợ, tín chấp cho chị em vay vốn để phát triển các ngành nghề, học nghề cũng như phát triển kinh tế để các chị là nạn nhân bị buôn bán quay trở về được tái hoà nhập với cộng đồng.
5-     Tổ chức hướng nghiệp dạy nghề
              Tổ chức các buổi tư vấn và định hướng nghề nghiệp, giới thiệu các ngành nghề,thị trường lao động việc làm trong và ngoài tỉnh, để cho mỗi phụ nữ của nhóm có nguy cơ định hướng chọn được nghề nghiệpthích hợp với năng lực và sở trường của mình. Tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu lao động xã hội đồng thời giới thiệu việc làm sau đào tạo nghề
6-     Tích cực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo
              Tích cực đẩy mạnh các hoạt động xóa đói giảm nghèo theo các chỉ thị và chương trình của Chính phủ và của tỉnh để sớm giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới.
7-     Thúc đẩy bình đẳng giới để chống buôn bán phụ nữ và trẻ em



III-          KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.

               Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài hiện nay đã trở thành vấn nạn, An Giang là một tỉnh biên giới, trong thời gian qua có nhiều vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới đã được phát hiện và xử lý. Bên cạnh còn nhiều vụ việc chưa phát hiện, còn một số phụ nữ và trẻ em chưa được giải thoát trở về, sắp tới cần tích cực hơn để giúp đỡ những nạn nhân nầy

               Để làm giảm đến mức thấp nhất số vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em, rất cần sự quan tâm đầu tư thích đáng của các cấp, các ngành trong việc phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới làm sao đến năm 2010 cơ bản An Giang xóa được loại tội phạm nầy.

              An Giang cần có chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em từ nay đến năm 2010 với mục tiêu của chương tình nầy là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc phòng ngừa và ngăn chận tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Trọng tâm là thực hiện được 7 giải pháp nêu trên.




                         *TÀI  LIỆU THAM KHẢO

1-     Việt Nam net  (đọc ngày 23.3.2005)
2-     Thời báo kinh tế Việt Nam năm 2006
3-     Báo Phụ nữ Việt Nam (ngày 07.7.2006)
4-     Chương trình 130/CP và kế hoạch số 2065/KH-LĐTBXH.
5-     Bảng thống kê kết quả điếu tra-xử lý các vụ án mua bán phụ nữ-trẻ em ra nước ngoài cùa Công An tỉnh An Giang.



     * ThS. Q.Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHXH&NV- trường đại học An Giang
         Email: lhhuy@agu.edu.vn  / huylahong@yahoo.com