Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

VÌ SAO VỊ TRÍ NHÀ GIÁO NGÀY CÀNG BỊ XÓI MÒN?

VÌ SAO VỊ TRÍ NHÀ GIÁO NGÀY CÀNG BỊ XÓI MÒN?

Vị trí nhà giáo ngày càng bị xói mòn, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân khá quan trọng là do cơ chế tuyển dụng đã sản sinh ra. Tôi xin nêu lên hai cơ chế để minh chứng.

1-Cơ chế trước năm 1975
        Tôi thi tốt nghiệp Tú tài II năm 1969, tỉ lệ tốt nghiệp cho 2 khóa thi là 20 %, Thi tuyển sinh vào Đại học sư phạm cả miền Nam chỉ tuyển 40 sinh viên cho 1 ban (một môn dạy sau nầy chẳng hạn như Toán, Văn...), tỉ lệ chọi là 1/30. Sau khi tốt nghiệp trường ĐHSP tổ chức cho sinh viên chọn nhiệm sở, trường đưa ra danh sách nhu cầu của tất cả các trường trung học, sinh viên chọn theo thứ tự hạng thứ đậu tốt nghiệp, sau đó sinh viên nhận sự vụ lệnh (quyết định) đến nhiệm sở đã chọn để nhận việc, rất rõ ràng và minh bạch. Khi về công tác nhà trường và xã hội hết sức trân trọng, hiệu trưởng trước khi phát biểu bao giờ cũng nói "kính thưa quý vị giáo sư" ai gặp cũng thầm thì "giáo sư mới về đó"...

2- Cơ chế sau năm 1975
      Sau năm 1975 sinh viên không được chọn nhiệm sở mà do trường phân công, tiêu chí không rõ ràng có khi còn giữ bí mật (sinh viên không được biết). Những năm gần đây tổ chức thi công chức, dù sinh viên loại xuất sắc mà không đậu kỳ thi công chức là không được phân công, đây là việc chưa hợp lý vì quá trình đào tạo của nhà nước 4 năm lại được xem như ngang bằng với một khóa học thi công chức chỉ có một vài tuần, lại do những người "ngoại đạo sư phạm" đứng ra dạy và đánh giá không có một quy chế rõ ràng và thanh tra nghiêm túc. Khi đậu đại học và đậu thi công chức việc phân công đến trường dạy còn nhiều khâu nhiêu khê và bí ẩn khác...Hậu quả là không ít sinh viên giỏi có tâm huyết lại thất nghiệp.
        Các bạn thử so sánh 2 cơ chế thì cơ chế nào đã đẻ ra tham nhũng tiêu cực? Những người lãnh đạo có trách nhiệm trong Chính phủ có biết không? Hay có biết mà không muốn sửa để đem lại lợi ích cho nhóm CBQL của mình?
         Hiện nay  nhiều tỉnh có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ĐHSP nhưng chưa được phân công, trách nhiệm nầy thuộc quan chức ở Bộ GD&ĐT. Ngồi trên đỉnh cao mà lại quá dốt về kinh tế học giáo dục (có lẽ chưa qua vỡ lòng), duyệt chỉ tiêu tuyển sinh ồ ạt mà không tính gì đến nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, gây biết bao lãng phí cho gia đình và xã hội cũng như ngân sách nhà nước, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khó lường (cả nước có hơn 200.000 cử nhân .thạc sỹ thất nghiệp). Nếu Bộ GD&ĐT không dốt kinh tế học giáo dục thì chỉ có thể hiểu là họ đã ăn quả bao nhiêu rồi của các trường Đại học khi chạy chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm với Bộ GD&ĐT?
        Than ôi! các Ông lớn như thế thì bảo sao vị trí nhà giáo không bị xoáy mòn, ngày càng tan nát...Các Ông thì đã sao nào? Nhưng mà hãy nhìn vào các thế hệ tương lai thì mới thấy nguy ngập vì "lương sư hưng quốc" là một chân lý vĩnh hằng cho cả nhân loại.


VUI và BUỒN

VUI và BUỒN

Ngày 20//11/2016 có chuyện vui nhưng có chuyện cũng rất đau lòng

1- Vui
            Học sinh trường Trung học công lập Tân Châu Châu Đốc khóa 1968-1975 họp mặt tại trường, các Em đưa xe hàng trăm cây số đến nhà đón vợ chồng tôi về dự. Hơn 40 năm gặp lại Thầy trò đều già, các Em hầu hết đã nghỉ hưu nhưng tình cảm thầy trò vẫn sâu đậm như ngày còn học, biết bao kỷ niệm vui buồn được ôn lại và mặc niệm cho những thầy cô và học sinh đã về cỏi vĩnh hằng với niềm xúc động dâng trào. Chúng tôi vui và hạnh phúc vô bờ do chính học sinh cũ đã mang lại, chúng tôi cũng đã góp phần vào việc đào tạo những công dân hữu ích cho xã hội.

2- Buồn
            Những năm 1980 của thời kỳ bao cấp, cuộc sống của giáo viên vô cùng vất vả “sống như sư ở như phạm”. Để sinh tồn lúc ấy nhà giáo phải làm nhiều nghề phụ chẳng hạn: bán bánh mì, chạy xe đạp ôm…Nhiều nhà giáo lảo thành lúc ấy kêu than

 “ vị trí nhà giáo bị xói mòn”. Đến hôm nay, đất nước phát triển cơ sở hạ tầng khác xưa rất nhiều nhưng đáng đau lòng là vị trí nhà giáo ngày càng bị xem thường một cách nghiêm trọng, mà điển hình là vụ điều động nữ giáo viên đi tiếp rượu hát karaoke ở Hồng Lĩnh mà ai có quan tâm đến giáo dục đề biết và có nhiều ý kiến phản ứng. Điều đáng trách và đau lòng nhất là đội ngủ cán bộ quản lý từ Trường đến Phòng, Sở và Bộ GD&ĐT đã để cho sự việc nầy xãy ra, các Ông đã học bao nhiêu trường lớp trường lớp rồi mà có nhận thức và hành động như thế? Đã phản nghịch lại những điều mà sách vở và lãnh tụ đã nói. Các Ông nên biết rằng: “lý thuyết chỉ là màu xám…”, chính cách hành xử đối với nhà giáo mới là hiệu nghiệm nhất. Cán bộ quản lý là quyết định cho chất lượng giáo dục mà dội ngũ CBQL như thế thì thế hệ trẻ của chúng ta đi về đâu? Bao giờ loại CBQL nầy mới được thay thế?

CẮM BIA

CẮM BIA

Xịa!
          Bây giờ linh hồn của mầy đang ở đâu? Thiên đường, địa ngục hay hư không? Điều chắc chắn là dưới lớp đất nầy thân xác của mầy đang thối rửa, nhầy nhụa như mảnh quê hương mà mầy đã sống.
          Nhớ hôm lễ an táng, cô Sáu khóc sưng vù cả hai mắt, những giọt nước mắt đau thương của người mẹ gầy rơi trên quan tài đỏ máu chảy dài xuống lòng đất, tiếc thương cho đứa con bạc phận.
          Một lá cờ to phủ kín trên quan tài có thêu dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, ôi đẹp và hảnh diện quá hả Em? Nhà vĩnh biệt với hai dãy quan tài kê sát nhau, đèn sáp lung linh, khói hương nghi ngút, tiêng gào khóc thê lương quá…
          Bên kia là áo quan của ông Trung úy biệt động quân và Thiếu úy nhảy dù, Chỉ huy trưởng của họ đang đọc tuyên dương công trạng, gắn huy chương, nghi lễ long trọng quá! Buồn cho thân phận binh nhì của mầy đâu có được như thế. Nhưng thôi đi, rồi thằng nào cũng về lòng đất, người đời quên lảng.
          Đến giờ chôn, những tên lính làm phận sự mai táng thản nhiên đến độ không ngờ, đưa ma chôn người là nghề của chúng mà. Họ chào kính lấy lệ, rồi thổi lên điệu kèn ai oán. Bà con mình không ai cầm được nước mắt!...Anh Hai Khai vừa lùa đất xuống huyệt vừa nói trong tiếng nấc: “Em ơi từ nay không còn sợ ai bắt quân dịch nữa”. Tiếng cô dượng Sáu than khóc nghe nghẹn ngào thảm nảo, đau đớn làm sao! “Con ơi! Ngày Tết người ta đi mua sắm đồ mới, còn má đi mua đồ tẩn liệm con…”
          Bên kia huyệt cũng những tên lính đó lại chào kính, rồi chôn một người khác. Người đàn bà nằm lăn dười bùn nhảo khóc than thảm thiết “Anh ơi! Sao nỡ bỏ em, anh ơi!... anh ơi!...”. Tao chợt nhớ mầy thiếu giọt nước mắt đàn bà, nhưng làm chi để rồi cộng thêm niềm đau nỗi nhớ, suối lệ mà thôi, thà như mầy mà tao thấy hay hay.
          Lá cờ phủ trên mộ của mầy đâu rồi? có lẽ ai đó đã thu hồi cái “Tổ quốc ghi công” của mầy chăng. Hôm chôn mầy chỉ mươi mộ thôi, sao bây giờ hàng hàng lớp lớp nhiều quá trông đến rợn người!
          Tao bắt đầu cắm bia cho mầy đây, tên của mầy tao đã hết sức cố gắng viết cho ngay thẳng nhưng sao nó lại cứ cong queo.
Chiều nghĩa trang quá buồn và âm u khó tả, tiếng xe nổ tan loảng, dòng nước mắt chảy dài hai bên má, những giọt nước mắt khóc cho quê hương, cho thân phận, cho tuổi trẻ…

                                                                       Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1969

                                                                                  LA HỒNG HUY  

MỘT CƠN BỆNH

MỘT CƠN BỆNH

          Cơn mưa chiều chợt đến rất nhanh,dai dẳng, từ trên tầng 1 trại B1 của bệnh viên đa khoa An Giang nhìn xuống khoa nhi người đông nghẹt, những khuôn mặt lo âu, buồn thảm, bồn chồn, đi đi lại lại quanh phòng cấp cứu. Chiều mưa bệnh viện không khí quá thảm não, âm u.
          Trong phòng Nam 1, các bệnh nhân nằm bất động, nhiều tiếng rên, tiếng thở dài…Từ sáng đến giờ cơn đau của tôi càng tăng và mệt hơn nhiều những ngày trước, ngoài cái đau của thể xác còn nhiều nỗi chua xót cho cuộc sống và thân phận của mình cứ oằn oại mải trong tâm hồn tôi.
          Câu nói của cô y sỹ với anh V, giáo viên trường tiểu học Khánh Hòa làm cho tôi mỗi khi nhìn sang gường bệnh của anh là cảm thấy uất nghẹn, “Tại sao anh lại xin ăn cơm miễn phí? Là giáo viên có lương nên đóng tiền…”. Là người cùng ngành tôi rất hiểu nổi đau khổ của một giáo viên nghèo mà lại nằm viện, tiền lương có là bao đau ốm thế nầy mà còn cưu mang vợ con ở quê nhà, anh V phải ngậm đắng nuốt cay, dẹp bỏ tự ái của một “ông thầy” để đi xin cơm miễn phí sống tạm qua ngày vậy mà người ta có cảm thông đâu.
          Từ khi quày thuốc 91 giải thể, thuốc phòng và trị bệnh thông thường trong cơ quan không còn, mỗi khi đau ốm thường phải đi khám bác sỹ ngoài giờ hoặc mua thuốc “chợ đen” để dùng. Khi đau nhiều thì xin giấy giới thiệu đến bệnh viện khám, thuốc bệnh viện cho thường uống rất chậm khỏi bệnh có khi bệnh lại nặng thêm, lúc ấy phải đi khám bác sỹ ngoài giờ mới có thuốc tốt và trị bệnh có kết quả hơn, nhưng mà đi khám bác sỹ ngoài giờ 3lần là hết một tháng lương với bệnh thông thường, còn bệnh nặng thì một lần khám là hơn 1 tháng lương. Đã hơn hai tháng rồi tôi hết sức tích cực điều trị, vừa khám bệnh viện vừa đi khám bác sỹ ngoài giờ nhưng bệnh tình ngày càng tăng. Nhiều lần tái khám bác sỹ đề nghị nhập viện, nhưng tôi còn chần chừ vì vợ tôi ngoài việc dạy học hàng ngày còn chăm sóc, lo cho con ăn học rồi phải xuống Long Xuyên nuôi tôi thì làm sao mà kham nổi.
          Khi nhập viện người ta cho chụp X quang dạ dày, thử máu, thử nước tiểu, chẩn đoán tôi bị “viêm dạ dày cấp, gan lớn mấp mé bờ”. Mỗi sáng được lấy nhiệt độ, đo huyết áp; bác sỹ khám các ngày thứ hai, Thứ tư, thứ sáu các ngày còn lại do các y sỹ tập sự khám cho có lệ. Mỗi ngày được chích  thuốc giảm đau, uống 2 lần thuốc antigast và B1. Bệnh tình không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng lên, nhiều bệnh nhân rỉ tai tôi “muốn hết bệnh tối phải đến nhà bác sỹ để chích và cho uống thuốc thêm mới hết bệnh được, chú thấy ông T ở gường số 8 bị áp xe gan tưởng chết mà nhờ bỏ ra 3 chỉ vàng đi thêm bác sỹ hôm nay đã khỏe”.
Vợ tôi vét hết đồ đạt cầm bán chạy tiền cho tôi đi khám thêm bác sỹ ngoài giờ nhưng bệnh tình của tôi ngày trầm trọng hơn. Các bác sỹ khoa nội đưa ra nhiều chẩn đoán khác nhau: bác sỹ M nghi tôi bị thêm sốt rét làm tổn thương gan vì tôi thường đi công tác Tri Tôn; bác sỹ Ph nghi tôi kèm viêm ruột, đặc biệt là bác sỹ Th nghi tôi bị khối u bờ cong lớn dạ dày…Bình thường tôi cao 1,72 mét nặng 55 kg nhưng nay chị còn 45 kg, mỗi khi thay đồ tôi không dám nhìn cái thân thể quá tàn tạ của mình. Vậy mà có lần bác sỹ Ph còn chế giểu tôi “ông hiệu trưởng định nằm đây đến hết mùa hè nầy sao?”, có lẽ ông nghỉ rằng tôi giả bệnh chăng, mà tôi giả bệnh để làm gì và được gì chứ?
          Hơn 15 năm đi dạy học lúc nào tôi cũng nhiệt tình, hết sức tận tụy với công việc hoàn thành tốt thiên chức của một nhà giáo, dù có nhắm mắt xuôi tay cũng không hỗ thẹn với lương tâm, với học sinh của mình. Nhưng sự ray rức khó phai trong tôi là xã hội đã thực sự quan tâm gì đến giáo  giới? Bao nhiêu y bác sỹ, kỷ sư nhờ ai dạy dỗ khai tâm khai trí để rồi hôm nay chính mắt tôi đã thấy rõ: “đồng chí không bằng đồng tiền”, “thân thế”, “thân quen”… Cuộc sống dù gian nan vất vã bao nhiêu cũng không đáng sợ bằng quan hệ đối xử tình người, lòng nhân đạo giữa những con người với nhau nhất là những bệnh nhân, đối với họ cái sống và cái chết không có ranh giới rõ rệt mà Thầy thuốc nỡ lòng nào “cắt cổ” bệnh nhân cả năm lương cho trị bệnh, mà đau đón nhất là thái độ đùa cợt, coi khinh nhân phẩm và sinh mạng của bệnh nhân.
          Chiều nay là chiều thứ 65 tôi cứ tiếp tục Không nuốn ăn, không đói bụng, cố gắng ăn chén cháo với đường, ăn vào một lát lại đau bụng, muốn ói, ợ hơi kinh khủng, khó thở…Nằm mê mê khi tỉnh muốn ngồi dậy nhưng không điều khiển hai chân được, tôi nghỉ chắc là nó sắp tới rồi vì nghe người ta nói chết sẽ bắt đầu từ chân đi lên! Tôi thiếp đi khi chập chờn tỉnh lại hình như có tiếng vợ tôi đang nhỏ nước mắt đầm đìa trên ngực tôi và rên siết: 
 “ mình ơi hãy ráng lên, con của mình còn nhỏ quá…”
                                                              Tháng 6 năm 1985
                                                                  La Hồng Huy