Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

GIẢI PHÁP BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TỈNH AN GIANG

Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhà giáo là lực lượng nòng cốt. Điều 15 Luật Giáo dục năm 2005 quy định nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm  bảo chất lượng giáo dục; Nhà nước tổ chức đào tạo bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình.
Ngày 15 tháng 06 năm 2004 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Mục tiêu của Chỉ thị là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vì vậy cần phải có giải pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông (THPT) đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một công việc hết sức bức xúc đối với giáo dục cả nước nói chung và An Giang nói riêng.

I- VÀI NÉT VỀ GIÁO VIÊN THPT TỈNH AN GIANG.

Năm học 2004 – 2005 tổng số giáo viên THPT của tỉnh An Giang là 1.750 người, cán bộ quản lý trường THPT là 130 người. Đội ngũ này được đào tạo từ nhiều nguồn trong tỉnh và ngoài tỉnh, những năm sau giải phóng để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục nhanh, An Giang đã tuyển giáo viên nhiều trình độ khác nhau, giáo viên hợp đồng, giáo viên cấp 2 dạy kê cấp 3… trình độ chênh lệch rất nhiều. Tình hình này rất khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục An Giang đã sớm nhận thức vai trò của người giáo viên đã tích cực bồi dưỡng bằng nhiều hình thức linh hoạt: tại chức, từ xa, hàm thu. An Giang đã liên kết với nhiều trường đại học để thực hiện các lớp đào tạo bồi dưỡng chẳng hạn như: Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Hà Nội….Đến năm học 2004 – 2005 trình độ đạt chuẩn của giáo viên THPT và cán bộ quản lý trường THPT cơ bản đã hoàn thành.

Thống kê tỉ lệ giáo viên cán bộ quản lý trường trung học phổ thông đạt chuẩn
 năm học 2004 – 2005

Cán bộ quản lý
Giáo viên
Tổng số
Đạt chuẩn
Tỉ lệ %
Tổng số
Đạt chuẩn
Tỉ lệ %


130




130



100



1.779



1.750



98,37

                                                                 
                                                                                           *Nguồn: VP Sở GD & ĐT An Giang
Bên cạnh các giáo viên giảng dạy nhiệt tình, có chất lượng và hiệu quả giáo dục cao, còn một bộ phận giáo viên năng lực giảng dạy chưa tương xứng với đòi hỏi về phẩm chất và năng lực của nhà giáo trong giai đoạn mới. Việc cải tiến phương pháp, sử dụng đồ dùng dạy học, xây dựng nề nếp học tập…còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân chi phối việc giáo viên có bằng cấp đúng chuẩn nhưng giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu trong đó cần chú ý nguyên nhân về năng lực sư phạm của người giáo viên còn hạn chế cần đặc biệt quan tâm đánh giá và bồi dưỡng thỏa đáng. Bởi vì chất lượng giáo viên THPT bản chất là năng lực sư phạm của giáo viên THPT. Chất lượng đó biểu hiện ở phẩm chất, đạo đức tư tưởng và năng lực sư phạm của người giáo viên, trong đó năng lực sư phạm được hiểu là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của hoạt động giáo dục và dạy học và đảm bảo hoạt động này có kết quả. Năng lực sư phạm gồm có hai thành tố: Kiến thức và Kỹ năng sư phạm.

II. GIẢI PHÁP BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN ĐẾN NĂM 2010.

1. Bồi dưỡng chuẩn hóa.
Cần tích cực bồi dưỡng chuẩn hóa các đối tượng chưa đạt chuẩn, chỉ còn 29 giáo viên. Chú trọng đảm bảo chất lượng bồi dưỡng, phần đông học viên bồi dưỡng lớn tuổi, bận việc gia đình và công tác nên khả năng học hạn chế, chủ yếu là lấy được bằng nên có nhiều tiêu cực xảy ra trong quá trình học bồi dưỡng.

2. Bồi dưỡng thường xuyên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian qua việc bồi dưỡng thường xuyên được tiến hành đại trà theo nội dung chương trình, tài liệu của Bộ GD và ĐT ban hành. Sở GD&ĐT An Giang liên kết với các trường đại học thực hiện. Hiệu quả các lớp bồi dưỡng này rất thấp, chế độ kiểm tra, đánh giá, các biện pháp chế tài…của các lớp này rất lỏng lẻo, chủ yếu là đi học “cho có”, đối phó với chỉ thị có tính chất bắt buộc của cấp trên, khi về không áp dụng bao nhiêu, vì thế gây ra không ít tốn kém mà hiệu quả rất giới hạn. Vì vậy cần phải quản lý chặt chẽ việc dạy - học, thi cử, tránh hình thức để đảm bảo chất lượng hiệu quả của bồi dưỡng thường xuyên.
Điều đáng lưu ý là các nội dung bồi dưỡng phải được đội ngũ quản lý nhà trường theo dỏi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, đánh giá việc áp dụng của từng giáo viên và từng tổ bộ môn. Thực tế có nhiều chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên , bồi dưỡng hè về đổi mới phương pháp dạy học được tổ chức đại trà cho toàn bộ giáo viên, nhưng đến nay vẫn còn không ít giáo viên chưa vận dụng phương pháp dạy học mới, hoặc vận dụng ở mức độ thấp.

3. Bồi dưỡng tại cơ sở.
Đây là giải pháp thiết thực nhất, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, sử dụng và sàng lọc. Trong đó người có trách nhiệm chủ trì là Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng nhà trường. Kinh nghiệm của các trường tiên tiến xuất sắc, đã đảm bảo tốt chất lượng giáo dục là công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà trường rất tốt.
Những việc mà các từng trường cần tiến hành là:
3.1. Thông qua dự giờ, kiểm tra thường xuyên và đột xuất mà phát hiện ra được các yếu kém, hạn chế của đội ngũ giáo viên.
3.2. Trên cơ sở những tồn tại mà xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng cho toàn trường hay từng tổ chuyên môn hàng tháng. Về nội dung nếu trường không đảm trách được thì nhờ trường Sư phạm/Sở giáo dục hổ trợ.
3.3. Tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng sinh động chẳng hạn như: tham quan nghiên cứu học tập, hội thảo…
3.4. Các chuyên đề đã bồi dưỡng cần được theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của giáo viên.
3.5. Xếp loại đánh giá giáo viên thật chính xác khách quan, trên cơ sở đó mà có kế hoạch bồi dưỡng cho sát hợp theo hướng phân hóa trình độ giáo viên.
+ Đối với giáo viên trình độ yếu, trung bình cần liên kết theo cụm trường để có nội dung chương trình bồi dưỡng căn bản về kiến thức cũng như nghiệp vụ sư phạm.
+ Đối với giáo viên khá giỏi có chuyên đề bồi dưỡng nâng cao.
3.6. Đẩy mạnh hoạt động của tổ chuyên môn, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của tổ chuyên môn theo quy định trong điều lệ trường trung học, làm sao cho tổ chuyên môn thực sự là nơi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao tay nghề cho giáo viên.
3.7. Qua một thời gian bồi dưỡng mà giáo viên nào không chuyển biến, thiếu phấn đấu phải tiến hành xử lý, sàng lọc ngay. Cần xây dựng quy hoạch bồi dưỡng đội ngũ đến năm 2010
3.8. Sở GD&ĐT An Giang Tham mưu với UBND tỉnh mở rộng quyền hạn của Hiệu trưởng trong việc tuyển dụng, bố trí sử dụng đội ngũ của nhà trường theo hướng tăng chế độ trách nhiệm và quyền tự chủ của đơn vị.

III. KẾT LUẬN

Giáo viên có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục, một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay, chưa đủ phẩm chất và năng lực thực hiện sự đổi mới giáo dục, vì vậy cần phải tiến hành tích cực, khẩn trương bồi dưỡng đội ngũ này theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW. Cần tập trung bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn, đảm bảo chất lượng các lớp bồi dưỡng. Đặc biệt, phải chú trọng bồi dưỡng phân hóa theo các loại giáo viên và bồi dưỡng tại cơ sở. Bồi dưỡng muốn có hiệu quả cần phải gắn liền với sử dụng, đãi ngộ và sàng lọc. Tránh hình thức, hợp thức hóa, gây lãng phí tốn kém.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét