MỘT CƠN BỆNH
Cơn mưa
chiều chợt đến rất nhanh,dai dẳng, từ trên tầng 1 trại B1 của bệnh viên đa khoa
An Giang nhìn xuống khoa nhi người đông nghẹt, những khuôn mặt lo âu, buồn
thảm, bồn chồn, đi đi lại lại quanh phòng cấp cứu. Chiều mưa bệnh viện không khí
quá thảm não, âm u.
Trong
phòng Nam 1, các bệnh nhân nằm bất động, nhiều tiếng rên, tiếng thở dài…Từ sáng
đến giờ cơn đau của tôi càng tăng và mệt hơn nhiều những ngày trước, ngoài cái
đau của thể xác còn nhiều nỗi chua xót cho cuộc sống và thân phận của mình cứ
oằn oại mải trong tâm hồn tôi.
Câu nói
của cô y sỹ với anh V, giáo viên trường tiểu học Khánh Hòa làm cho tôi mỗi khi
nhìn sang gường bệnh của anh là cảm thấy uất nghẹn, “Tại sao anh lại xin ăn cơm miễn phí? Là giáo viên có lương nên đóng
tiền…”. Là người cùng ngành tôi rất hiểu nổi đau khổ của một giáo viên
nghèo mà lại nằm viện, tiền lương có là bao đau ốm thế nầy mà còn cưu mang vợ
con ở quê nhà, anh V phải ngậm đắng nuốt cay, dẹp bỏ tự ái của một “ông thầy”
để đi xin cơm miễn phí sống tạm qua ngày vậy mà người ta có cảm thông đâu.
Từ khi
quày thuốc 91 giải thể, thuốc phòng và trị bệnh thông thường trong cơ quan
không còn, mỗi khi đau ốm thường phải đi khám bác sỹ ngoài giờ hoặc mua thuốc
“chợ đen” để dùng. Khi đau nhiều thì xin giấy giới thiệu đến bệnh viện khám,
thuốc bệnh viện cho thường uống rất chậm khỏi bệnh có khi bệnh lại nặng thêm,
lúc ấy phải đi khám bác sỹ ngoài giờ mới có thuốc tốt và trị bệnh có kết quả
hơn, nhưng mà đi khám bác sỹ ngoài giờ 3lần là hết một tháng lương với bệnh thông
thường, còn bệnh nặng thì một lần khám là hơn 1 tháng lương. Đã hơn hai tháng
rồi tôi hết sức tích cực điều trị, vừa khám bệnh viện vừa đi khám bác sỹ ngoài
giờ nhưng bệnh tình ngày càng tăng. Nhiều lần tái khám bác sỹ đề nghị nhập
viện, nhưng tôi còn chần chừ vì vợ tôi ngoài việc dạy học hàng ngày còn chăm
sóc, lo cho con ăn học rồi phải xuống Long Xuyên nuôi tôi thì làm sao mà kham
nổi.
Khi
nhập viện người ta cho chụp X quang dạ dày, thử máu, thử nước tiểu, chẩn đoán
tôi bị “viêm dạ dày cấp, gan lớn mấp mé
bờ”. Mỗi sáng được lấy nhiệt độ, đo huyết áp; bác sỹ khám các ngày thứ hai,
Thứ tư, thứ sáu các ngày còn lại do các y sỹ tập sự khám cho có lệ. Mỗi ngày
được chích thuốc giảm đau, uống 2 lần
thuốc antigast và B1. Bệnh tình không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng
lên, nhiều bệnh nhân rỉ tai tôi “muốn hết
bệnh tối phải đến nhà bác sỹ để chích và cho uống thuốc thêm mới hết bệnh được,
chú thấy ông T ở gường số 8 bị áp xe gan tưởng chết mà nhờ bỏ ra 3 chỉ vàng đi
thêm bác sỹ hôm nay đã khỏe”.
Vợ tôi vét hết đồ đạt cầm bán chạy tiền cho
tôi đi khám thêm bác sỹ ngoài giờ nhưng bệnh tình của tôi ngày trầm trọng hơn.
Các bác sỹ khoa nội đưa ra nhiều chẩn đoán khác nhau: bác sỹ M nghi tôi bị thêm
sốt rét làm tổn thương gan vì tôi thường đi công tác Tri Tôn; bác sỹ Ph nghi
tôi kèm viêm ruột, đặc biệt là bác sỹ Th nghi tôi bị khối u bờ cong lớn dạ
dày…Bình thường tôi cao 1,72 mét nặng 55 kg nhưng nay chị còn 45 kg, mỗi khi
thay đồ tôi không dám nhìn cái thân thể quá tàn tạ của mình. Vậy mà có lần bác
sỹ Ph còn chế giểu tôi “ông hiệu trưởng
định nằm đây đến hết mùa hè nầy sao?”, có lẽ ông nghỉ rằng tôi giả bệnh
chăng, mà tôi giả bệnh để làm gì và được gì chứ?
Hơn 15
năm đi dạy học lúc nào tôi cũng nhiệt tình, hết sức tận tụy với công việc hoàn
thành tốt thiên chức của một nhà giáo, dù có nhắm mắt xuôi tay cũng không hỗ
thẹn với lương tâm, với học sinh của mình. Nhưng sự ray rức khó phai trong tôi
là xã hội đã thực sự quan tâm gì đến giáo
giới? Bao nhiêu y bác sỹ, kỷ sư nhờ ai dạy dỗ khai tâm khai trí để rồi
hôm nay chính mắt tôi đã thấy rõ: “đồng
chí không bằng đồng tiền”, “thân thế”, “thân quen”… Cuộc sống dù gian nan
vất vã bao nhiêu cũng không đáng sợ bằng quan hệ đối xử tình người, lòng nhân
đạo giữa những con người với nhau nhất là những bệnh nhân, đối với họ cái sống
và cái chết không có ranh giới rõ rệt mà Thầy thuốc nỡ lòng nào “cắt cổ” bệnh
nhân cả năm lương cho trị bệnh, mà đau đón nhất là thái độ đùa cợt, coi khinh
nhân phẩm và sinh mạng của bệnh nhân.
Chiều
nay là chiều thứ 65 tôi cứ tiếp tục Không nuốn ăn, không đói bụng, cố gắng ăn
chén cháo với đường, ăn vào một lát lại đau bụng, muốn ói, ợ hơi kinh khủng,
khó thở…Nằm mê mê khi tỉnh muốn ngồi dậy nhưng không điều khiển hai chân được,
tôi nghỉ chắc là nó sắp tới rồi vì nghe người ta nói chết sẽ bắt đầu từ chân đi
lên! Tôi thiếp đi khi chập chờn tỉnh lại hình như có tiếng vợ tôi đang nhỏ nước
mắt đầm đìa trên ngực tôi và rên siết:
“ mình ơi hãy ráng lên, con của mình còn nhỏ
quá…”
Tháng 6 năm 1985
La Hồng Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét