VÌ SAO VỊ TRÍ NHÀ GIÁO NGÀY
CÀNG BỊ XÓI MÒN?
Vị trí nhà giáo ngày càng bị xói mòn, có nhiều nguyên nhân trong đó có
nguyên nhân khá quan trọng là do cơ chế tuyển dụng đã sản sinh ra. Tôi xin nêu
lên hai cơ chế để minh chứng.
1-Cơ chế trước năm 1975
Tôi thi tốt nghiệp Tú tài II năm 1969, tỉ
lệ tốt nghiệp cho 2 khóa thi là 20 %, Thi tuyển sinh vào Đại học sư phạm cả
miền Nam chỉ tuyển 40 sinh viên cho 1 ban (một môn dạy sau nầy chẳng hạn như
Toán, Văn...), tỉ lệ chọi là 1/30. Sau khi tốt nghiệp trường ĐHSP tổ chức cho
sinh viên chọn nhiệm sở, trường đưa ra danh sách nhu cầu của tất cả các trường
trung học, sinh viên chọn theo thứ tự hạng thứ đậu tốt nghiệp, sau đó sinh viên
nhận sự vụ lệnh (quyết định) đến nhiệm sở đã chọn để nhận việc, rất rõ ràng và
minh bạch. Khi về công tác nhà trường và xã hội hết sức trân trọng, hiệu trưởng
trước khi phát biểu bao giờ cũng nói "kính thưa quý vị giáo sư" ai
gặp cũng thầm thì "giáo sư mới về đó"...
2- Cơ chế sau năm 1975
Sau năm 1975 sinh viên không được chọn
nhiệm sở mà do trường phân công, tiêu chí không rõ ràng có khi còn giữ bí mật
(sinh viên không được biết). Những năm gần đây tổ chức thi công chức, dù sinh
viên loại xuất sắc mà không đậu kỳ thi công chức là không được phân công, đây
là việc chưa hợp lý vì quá trình đào tạo của nhà nước 4 năm lại được xem như
ngang bằng với một khóa học thi công chức chỉ có một vài tuần, lại do những
người "ngoại đạo sư phạm" đứng ra dạy và đánh giá không có một quy
chế rõ ràng và thanh tra nghiêm túc. Khi đậu đại học và đậu thi công chức việc
phân công đến trường dạy còn nhiều khâu nhiêu khê và bí ẩn khác...Hậu quả là
không ít sinh viên giỏi có tâm huyết lại thất nghiệp.
Các bạn thử so sánh 2 cơ chế thì cơ chế
nào đã đẻ ra tham nhũng tiêu cực? Những người lãnh đạo có trách nhiệm trong
Chính phủ có biết không? Hay có biết mà không muốn sửa để đem lại lợi ích cho
nhóm CBQL của mình?
Hiện nay nhiều tỉnh có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp
ĐHSP nhưng chưa được phân công, trách nhiệm nầy thuộc quan chức ở Bộ GD&ĐT.
Ngồi trên đỉnh cao mà lại quá dốt về kinh tế học giáo dục (có lẽ chưa qua vỡ
lòng), duyệt chỉ tiêu tuyển sinh ồ ạt mà không tính gì đến nhu cầu sử dụng
nguồn nhân lực, gây biết bao lãng phí cho gia đình và xã hội cũng như ngân sách
nhà nước, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khó lường (cả nước có hơn 200.000 cử
nhân .thạc sỹ thất nghiệp). Nếu Bộ GD&ĐT không dốt kinh tế học giáo dục thì
chỉ có thể hiểu là họ đã ăn quả bao nhiêu rồi của các trường Đại học khi chạy
chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm với Bộ GD&ĐT?
Than ôi! các Ông lớn như thế thì bảo
sao vị trí nhà giáo không bị xoáy mòn, ngày càng tan nát...Các Ông thì đã sao
nào? Nhưng mà hãy nhìn vào các thế hệ tương lai thì mới thấy nguy ngập vì
"lương sư hưng quốc" là một chân lý vĩnh hằng cho cả nhân loại.