La Hồng Huy
Gần đây có nhiều dư luận về đề xuất của TP
Hồ Chí Minh, nội dung có 2 vấn đề chính: phải
khám sức khỏe trước khi kết hôn và nữ không được mang thai sau 33 tuổi. Chính
sách nầy đúng hay sai? Có khả thi hay không?
Con người có nhiều bệnh tật nguy hiểm, nguyên nhân do bất
thường sinh lý, nhiễm trùng và do di truyền. Khám sức khỏe toàn diện trước khi
kết hôn là tốt. Nhưng khám sức khỏe phải có chất lượng chứ không phải kiểu hình
thức cho có thủ tục hành chánh kiểu khám sức khỏe thi bằng lái xe. Đây là lợi
ích lâu dài cả đời của vợ chồng và con cái. Ngoài xác định các bệnh tật về
nhiễm trùng, về sinh lý, cần phải xác định được các gen bệnh tiềm ẩn. Trên
cơ sở kết quả xét nghiệm nhà chuyên môn sẽ thông báo những bệnh tật của đôi vợ
chồng sau hôn nhân cũng như con cái của họ sau nầy để cho họ có quyết định tiếp
tục cuộc hôn nhân hay không là quyền của họ chứ không thể cấm cản họ được
(vì vi phạm tự do cá nhân và nhân quyền). Đối với hoàn cảnh xã hội Việt Nam
hiện nay để làm được có chất lượng chủ trương nầy là không khả thi.
Theo nhiều công trình nghiên cứu đã công bố thì có một tỉ lệ
đáng kể phụ nữ trên 33 tuổi (có công trình xác định trên 35 tuổi) có hiện tượng
không phân ly nhiễm thể, con cái của họ có thể là có 45 nhiễm thể hoặc 47 nhiễm
thể (số nhiễm thể bình thường của con người là 46 nhiễm thể). Sự thiếu hay thừa
một nhiễm thể sẽ gây bệnh di truyền không có thể nào chửa trị được với trình độ
y học hiện nay, chẳng hạn như bệnh down, bán nam bán nữ... Chỉ có một tỉ lệ nào
đó phụ nữ bị hiện tượng không phân ly nhiễm thể mà thôi (chứ không phải 100%),
tỉ lệ nầy thay đổi theo sắc tộc, điều kiện sống, mội trường...Vì
vậy việc cấm phụ nữ trên 33 tuổi kết hôn là không phù hợp trên đại trà phụ nữ.
Chủ trương nầy chỉ có thể kết hợp với chủ trương khám sức khỏe trước hôn nhân
như trình bày ở trên mà thôi.
Tuy chủ trương có cơ sở khoa học nhưng không nên thực hiện
trong hoàn cảnh của Việt Nam hôm nay, những người làm công tác quản lý nên đầu
tư chất xám nhiều hơn trước khi đưa ra một chủ trương/quyết định quan trọng, tránh
biến con người thành vật thí nghiệm oan uổng như những bài học đau
thương đã từng xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như thực hiện thất bại mô hình
đại học hai giai đoạn (ở nước ngoài người ta làm thành công nhưng áp dụng máy
móc vào Việt Nam thì thật là thảm hại).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét