Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN VIỆC KIỂM TRA MÔN SINH HỌC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DÂN LẬP CHƯỞNG BINH LỄ TỈNH AN GIANG



THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN VIỆC KIỂM TRA MÔN SINH HỌC
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DÂN LẬP
CHƯỞNG BINH LỄ TỈNH AN GIANG

                                                                                       La Hồng Huy *


          I-VÀI VẤN ĐỀ CHUNG.

          Môn sinh học là môn khá quan trọng trong chương trình học bậc trung học phổ thông (THPT), nó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như nguyện vọng của toàn xã hội trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ.

          Từ lâu Ngành Giáo dục quá chú ý đến đổi mới phương pháp dạy-học (PPDH), nhưng ít chú ý đế khâu kiểm tra đánh giá, đây là vấn đề cốt lỏi đã ảnh hưởng đến hiệu quả của việc cải tiến đổi mới PPDH. Kiểm tra đánh giá là một thành tố của quá trình sư phạm, nó giúp quá trình sư phạm được thực hiện toàn vẹn có hiệu quả, vì thế từ lâu các nhà lý luận đã xem đánh giá có vai trò như nội dung.

          Xuất phát từ quan niệm chất lượng giáo dục phổ thông là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông, quá trình sư phạm là một quá trình thống nhất toàn vẹn được cấu trúc bởi các thành tố: mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, người dạy, người học, đánh giá kết quả… Chúng tôi cho rằng việc cải tiến đổi mới kiểm tra đánh giá môn Sinh học có vai trò hết sức quan trọng đối với việc vận dụng quan niệm dạy học mới “Dạy-học hướng tập trung vào người học”. Đổi mới PPDH nhưng đánh giá không đổi mới đương nhiên sẽ hạn chế việc đổi mới PPDH. Chính cách kiểm tra đánh giá của giáo viên làm thay đổi càch học của học sinh.

          II. THỰC TRẠNG KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ MÔN SINH HỌC Ở TRƯỜNG THPT DÂN LẬP CHƯỞNG BINH LỄ TỈNH AN GIANG.
(Từ năm học 2003 đến 2005)

          1. Công cụ đánh giá.
          Môn Sinh học cũng như các môn học khác, chủ yếu là câu hỏi luận đề để đo đạt kết quả học. Các câu hỏi thường sử dụng câu hỏi trong sách giáo khoa, giáo viên không dám ra câu hỏi khác vì đề thi của Sở Giáo dục và Bộ Giáo dục phần nhiều trích từ các câu hỏi trong sách giáo khoa .

          Hệ thống câu hỏi yêu cầu chính là học sinh tái hiện lại kiến thức đã học, Phần học sinh vận dụng kiến thức, giải quyết tình huống…rất ít. Có thể nói công cụ đánh giá nầy chỉ dựa vào trí nhớ của học sinh là chính.
          2. Cách tổ chức kiểm tra.
          Trước khi kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay học kỳ, giáo viên cho trước một số câu hỏi để học sinh chuẩn bị soạn phần trả lời rồi học thuộc lòng, đến khi kiểm tra thì viết lại nguyên văn. Các bài tập cũng cho trước và giải mẫu cho học sinh học thuộc bài giải. Nội dung đề kiểm tra không có gì nằm ngoài sự chuẩn bị của học sinh.

          3. Kết quả học.
          Phần lớn học sinh đạt điểm trên trung bình, nhìn vào kết quả điểm số chúng ta thấy kết quả rất khả quan, nhưng xét về chất lượng thật thì còn nhiều tồn tại đáng lo ngại.
          - Học sinh học thụ động,chưa tích cực tham gia xây dựng bài học, ít đào sâu suy nghĩ tìm tòi, ít thắc mắc; chưa chú ý học thường xuyên, chỉ chờ đến khi có câu hỏi kiểm tra mới lo học các câu hỏi ấy, chỉ học trả lời theo câu hỏi mà không học theo hệ thống kiến thức trọng tâm.
          - Học sinh rất mau quên những điều đã thuộc.
          -Với những nội dung đã thuộc, khi kiểm tra học kỳ (Sở Giáo dục ra đề) chỉ có thay đổi một tí thôi, thì phần nhiều học sinh không làm được.
          -Học sinh vẫn học bài theo lối học thuộc máy móc, không chú ý thay đổi phương pháp học.

          III. THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ Ở TRƯỜNG THPT CHƯỞNG BINH LỄ TỈNH AN GIANG TRONG NĂM HỌC 2005-2006.

          1. Các quan niệm về kiểm tra đánh giá môn sinh học trong thử nghiệm nầy.

          - Đánh giá được học sinh có thể hiểu và nhớ được những kiến thức cơ bản của môn học, chủ yếu là nhớ ý nghĩa theo hệ thống kiến thức của chương trình.
          - Đánh giá được việc áp dụng kiến thức để giải quyết tình huống cụ thể, sự độc lập sáng tạo của học sinh.
          - Đánh giá được động cơ, hứng thú, thái độ học tập của học sinh.
          - Thông báo cho học sinh các thành tích, tiến bộ và nhược điểm để học sinh hoàn thiện phương pháp học, nâng cao chất lượng học tập theo hướng tích cực hóa quá trình dạy-học.
          - Công cụ đánh giá có sự kết hợp đánh giá theo truyền thống (có cải tiến) và trắc nghiệm khách quan.

          2. Các cải tiến.

          2.1. Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm.
          Sau mỗi bài học, mỗi chương chúng tôi hướng dẫn học sinh hệ thống lại các kiến thức trọng tâm cần hiểu và cần nhớ để làm kiểm tra.


          2.2. Cải tiến lại các đề kiểm tra.
          - Không cho trước các câu hỏi như trước đây để học sinh soạn đề cương và học theo câu hỏi.
          - Đề kiểm tra có sự kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan. Tùy theo nội dung kiến thức mà chọn lựa hình thức cho thích hợp.Nội dung đề gồm có các phần sau đây.
          + Câu trắc nghiệm khách quan.
          + Câu hỏi dưới dạng đặt vấn đề có nhiều cách lý giải, hoặc chọn ra một vấn đề đúng và giải thích (Dạng song đề nhận thức); câu hỏi trả lời ngắn theo sự hiểu biết và suy luận.
          + Bài tập vận dụng lý thuyết đã học (Chú trọng việc nắm cách giải, phương pháp suy luận để giải, hạn chế việc học thuộc lòng bài mẫu). Vì thế bài tập trong đề kiểm tra đều có thay đổi so với bài tập đã giải trên lớp.
          Tinh thần chung là chúng tôi đã cố gắng thông qua việc cải tiến kiểm tra đánh giá làm cho học sinh cải tiến cách học, học một cách tích cực, chủ động và sáng tạo, mới có thể đạt được điểm tối đa.

          3. Tổ chức thử nghiệm.
          Chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm ở khối lớp 11 trong năm học 2005-2006.
          Lý do chọn đối tượng nầy là vì chúng tôi đang trực tiếp giảng dạy thuận lợi cho việc tiến hành thử nghiệm; đây là khối lớp mà chúng tôi có quyền ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết và học kỳ đồng thời trực tiếp chấm điểm (Riêng khối lớp 12 Sở Giáo dục ra đề thi học kỳ thống nhất trong toàn tỉnh nên khó thực hiện đổi mới theo thử nghiệm).

          4. Kết quả thử nghiệm.
          Qua một năm học thử nghiệm chúng tôi đạt được kết quả khả quan, cụ thể là:
          * Học sinh học tập tích cực chủ động hơn trước, hạn chế được cách học thụ động; phát huy được độc lập suy nghĩ của học sinh (Qua kết quả quan sát trong tất cả các giờ học của học sinh).

          * Kết quả điều tra bằng phiếu hỏi toàn bộ học sinh lớp 11 cho thấy kết quả như sau:
          95,32% học sinh cho rằng đề kiểm tra câu hỏi chỉ cần hiểu bài có thể trả lời được là phù hợp nhất; chỉ có 4,67% ý kiến cho rằng câu hỏi đòi hỏi phải thuộc bài  là phù hợp.
          76,31% học sinh đồng ý hình thức trắc nghiệm khách quan là phù hợp; 19,29% học sinh chấp nhận đề kiểm tra có câu hỏi ngắn; chỉ có 4,38% học sinh chấp nhận câu hỏi luận đề.

          * Đối với các đề kiểm tra đã làm, có:
 92,15% học sinh đánh giá là tốt;
7,84% không có ý kiến;
 không có ý kiến nào đánh giá chưa tốt.
          * 70% học sinh nhìn nhận với cách kiểm tra mới làm cho bản thân có hứng thú trong học tập và có tác động làm thay đổi cách học theo hướng mới.

          * Thống kê kết quả điểm của các loại bài kiểm tra của học sinh đảm bảo phân hóa được trình độ học sinh, đảm bảo được đường cong chuẩn.

          IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ.

          Kiểu đánh giá môn sinh bằng hình thức tự luận có nhiều hạn chế như nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh. Để nâng cao chất lượng dạy học môn học nầy cần phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá, cần có công cụ đánh giá khách quan.

          Qua một năm học thử nghiệm, bước đầu chúng tôi có vài kết luận

          - Đề kiểm tra môn Sinh học thích hợp nhất là câu hỏi đặt ra yêu cầu học sinh hiểu bài và ghi nhớ ý nghĩa nội dung học.
          - Hình thức trắc nghiệm kết hợp với câu hỏi ngắn là có nhiều ưu điểm.
          - Công cụ đánh giá phải được thử nghiệm và hoàn thiện dần, tiến đến chuẩn hóa.
          - Khi thay đổi cách đánh giá, chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi cách dạy và cách học. Vì vậy muốn đổi mới PPDH cần phải quan tâm đầu tư nghiên cứu đổi mới cách đánh giá cho phù hợp.

          Chúng tôi nghĩ rằng Bộ Giáo duc& Đào tạo, Sở GD&ĐT nên sớm ban hành bộ công cụ chuẩn hóa đánh giá kết quả học tập môn Sinh học cũng như các môn khác, làm sao đánh giá được chất lượng thật sự của học sinh, chúng ta mới có thể tránh được tệ nạn gian dối, thiếu trung thực trong kiểm tra đánh giá và hàng loạt các tiêu cực khác …là nguyên nhân quan trọng làm cho chất lượng giáo dục chưa đảm bảo được yêu cầu đã diễn ra trong thời gian qua.






* ThS. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHXH&NV đại học An Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét