La Hồng Huy - Trường đại học An Giang (1)
I.
CƠ CẤU SƯ PHẠM - PHỔ THÔNG.
Nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu
của trường sư phạm là thực hiện nguyên lí giáo dục của Đảng: “Học
đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận
gắn liền với thực tiễn, GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và GD xã hội” (2). Việc thực hiện nguyên lí
giáo dục này trong nhà trường sư phạm ngoài cái chung của tất cả
các nhà trường XHCN, trường sư phạm còn có cái riêng là sinh viên tiếp nhận sự giáo dục phải
trở thành người thực hiện nguyên lí giáo dục đối với trẻ em. Do đó,
việc thực hiện nguyên lí giáo dục không chỉ diễn ra trong trường sư
phạm mà diễn ra trong một chỉnh thể thống nhất có tác động biện
chứng với nhau, đó chính là cơ cấu sư phạm - phổ thông.
Trong tất cả các mặt hoạt động của
trường sư phạm: học tập nghiên cứu, lao động, hoạt động xã hội, việc
đầu tiên phải quan tâm là tạo cho sinh viên dần dần có ý thức, rồi
tiến lên có ý chí, có nhạy cảm về giáo dục và tự giáo dục thành
những con người theo mục tiêu đào tạo, có khả năng làm tốt công tác
giáo dục học sinh phổ thông. Vì vậy ba tập hợp: tập thể giáo viên,
sinh viên trường sư phạm; giáo viên trường phổ thông, tập thể học sinh
phổ thông có quan hệ hữu cơ biện chứng với nhau. Nhà trường phổ thông
và xã hội là môi trường sư phạm của nhà trường sư phạm. Từ trong môi
trường sư phạm này, quá trình đào tạo mới nảy sinh ra được những
người giáo viên tinh nhạy về mặt giáo dục, nắm được quy luật và
điều khiển quy luật hình thành con người mới XHCN. Kết quả này không
những chỉ có và phải có ở người sinh viên mà phải có ở người
giảng viên trường sư phạm.
Nhà trường phổ thông là cái nôi nuôi
dưỡng của tập thể thầy và trò trường sư phạm, từ phổ thông họ rút
ra những chất dinh dưỡng cho việc đào tạo và tự đào tạo, bồi dưỡng
và tự bồi dưỡng. Đặc biệt đối với sinh viên, nhà trường phổ thông
là nơi thực tập những điều đã học và rèn luyện tập vợt để trở
thành người giáo viên; trường phổ thông là nơi công tác tương lai của
sinh viên, nơi tiếp tục rèn luyện và hoàn thiện tay nghề; đến lượt
mình nhà trường phổ thông được tiếp nhận những chất liệu mới, các
thành tựu mới của khoa học giáo dục. Cơ
cấu sư phạm - phổ thông là sự sống còn của nhà trường sư phạm trong
việc thực hiện mục tiêu đào tạo, cơ cấu này phải được gắn với xã
hội trong mối quan hệ giữa cái bộ phận và cái toàn phần một cách
biện chứng.
Mô hình cơ cấu sư phạm phổ thông
II.
SỰ CẦN THIẾT CỦA TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM (THSP)
1. Vài thực tế về thực
hành nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm chưa có trường THSP.
Do
điều kiện khách quan hiện nay còn nhiều trường sư phạm chưa có trường
THSP, việc này có nhiều vấn đề khó khăn trong việc kiến tập, thực
tập của sinh viên, sau đây chúng tôi xin trình bày vài nét chính yếu.
- Nhiều giảng viên tốt nghiệp đại học,
sau đại học được bổ nhiệm về trường sư phạm giảng dạy mà chưa kinh
qua công tác ở trường phổ thông nên vốn kinh nghiệm thực tiễn ở trường
phổ thông rất ít, khó hướng dẫn sinh viên tiếp cận, thích nghi với
nhà trường phổ thông hiện nay.
- Khi liên kết với các trường phổ thông
để sinh viên kiến tập, thực tập, bị lệ thuộc vào sự quản lí chuyên
môn của Sở/Phòng GD&ĐT nên trường sư phạm khó thực hiện mục tiêu
theo sự kỳ vọng của mình. Giáo viên phổ thông tham gia hướng dẫn đánh
giá sinh viên không nằm dưới hệ thống quản lí của trường sư phạm nên còn nhiều “trắc trở”
từ cách đánh giá, tiêu chí giờ dạy, hướng dẫn nghiên cứu........
- Giảng viên, sinh viên trường sư phạm
khó tiến hành các thử nghiệm về cải tiến đổi mới phương pháp dạy
học/giáo dục ở các trường phổ thông, vì cần có sự đồng thuận của
các trường phổ thông, mà thường là các trường này rất “ngán ngại”
vì sợ ảnh hưởng đến thi đua của nhà trường và các cơ chế ràng buộc
phức tạp khác.
Từ những điều trình bày trên chúng tôi
thấy trường thực hành sư phạm là mô hình tốt nhất khắc phục những
vấn đề này, nó giúp cho trường sư phạm có nhiều khả năng thực hiện
được cơ cấu sư phạm - phổ thông.
2. Mô hình trường THSP.
Hiện nay có nhiều mô hình trường thực
hành sư phạm, mỗi trường có nét đặc trưng riêng, theo chúng tôi trường
THSP cần phải đảm bảo các đặc trưng sau đây:
- Trường THSP là một trường phổ thông
trong hệ thống giáo dục quốc dân.Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà
nước đối với trường phổ thông. Sản phẩm do nhà trường thực hành sư
phạm phải hơn các trường phổ thông, tuyệt đối không được có bất kỳ
điều gì thiệt hại cho học sinh ở trường THSP (so với học sinh phổ
thông).
- Trường THSP nằm trong trường sư phạm,
là một đơn vị trực thuộc trường sư phạm, có như vậy mới chủ động
thực hiện công tác thực tập, kiến tập, nghiên cứu khoa học.
- Trường THSP phải được đầu tư đội ngũ
cán bộ quản lí, giáo viên giỏi nhiệt tình, được trang bị đầy đủ cơ
sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc dạy học và giáo dục.
3. Trường THSP ở An Giang
Trong
những năm trước đây thực hiện mô hình như trên (có quy chế tạm thời)
bước đầu đạt được kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng
giáo dục cho học sinh và kĩ năng sư phạm cho sinh viên.
III.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.
Trường THSP rất cần thiết trong việc
nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm, góp phần quan
trọng trong việc thực hiện cơ cấu sư phạm - phổ thông. Vì vậy các
trường sư phạm cần thiết phải sớm thành lập trường THSP.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm ban
hành quy chế hoạt động của trường THSP để thống nhất thực hiện trong
cả nước. Việc này làm không khó và nên làm gấp.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Th.S. GĐ trung
tâm nghiên cứu KHXH&NV
(2) Điều 3 luật Giáo
dục năm 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét