Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG TRƯỜNG HỌC


                                                                                    ThS. La Hồng Huy
                                                                       Giám đốc TTNCKHXH&NC-ĐHAG


I- CÔNG TÁC DÂN VẬN CHÍNH LÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ.

          Chủ tịch Hồ Chí minh khẳng định nước ta là một nước Dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để bỏ sót một người dân nào. Góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho.”. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc rút kinh nghiệm phê bình khen thưởng. Như vậy thực hiện công tác dân vận hàm nghĩa thực hiện dân chủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý.

II- CÔNG TÁC DÂN CHỦ TRONG TRƯỜNG HỌC.
         
Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất những điều Luật Giáo dục quy định theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong các hoạt động của nhà trường thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; đảm bảo cho công dân, cơ quan, tổ chức được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục, làm cho giáo dục thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của hiệu trưởng, nhà giáo, người học, đội ngũ cán bộ, công chức trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của nhà trường, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và luật pháp Nhà nước.
Mở rộng dân chủ phải đảm bảo có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện trách nhiệm của Hiệu trưởng và phát huy vai trò của các tổ chức, các đoàn thể trong nhà trường.
Thực hiện dân chủ trong nhà trường phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; quyền phải đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường.

          Hiệu trưởng, giảng viên và sinh viên đều có trách nhiệm riêng trong quá trình thực hiện dân chủ

          1- Hiệu trưởng
  Hiệu trưởng phải lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng của các cá nhân hoặc các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường trước khi quyết định: Kế hoạch phát triển, tuyển sinh, dạy học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của nhà trường trong năm học. Quy trình quản lý đào tạo, những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bộ máy trong nhà trường. Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, cán bộ, công chức. Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, các hoạt động dịch vụ, sản xuất của nhà trường. Các biện pháp tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng hàng năm, lề lối làm việc, xây dựng nội quy, quy chế trong nhà trường.  Các báo cáo sơ kết, tổng kết theo định kỳ trong năm học.

2- Giảng viên cán bộ CNV
Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục. Tham gia đóng góp ý kiến với nhà trường. Kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng bè phái, mất đoàn kết, cửa quyền, quan liêu và những hoạt động khác vi phạm dân chủ, kỷ cương, nền nếp trong nhà trường.Thực hiện đúng những quy định trong Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo, cán bộ, công chức; tôn trọng đồng nghiệp và người học; bảo vệ uy tín của nhà trường. Những việc nhà giáo, cán bộ, công chức được biết, tham gia ý kiến, giám sát kiểm tra thông qua hình thức dân chủ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường: Những chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với nhà giáo, cán bộ, công chức. Những quy định về sử dụng tài sản, xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Công khai các khoản đóng góp của người học, việc sử dụng kinh phí và chấp hành chế độ thu, chi, quyết toán theo quy định hiện hành. Giải quyết các chế độ, quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, cán bộ, công chức, cho người học. Việc thực hiện thi tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng bậc lương, thuyên chuyển, điều động, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật. Những vấn đề về tuyển sinh và thực hiện quy chế thi từng năm học. Báo cáo sơ kết, tổng kết, nhận xét, đánh giá công chức hàng năm.

3- Sinh viên.
Người học phải được biết những nội dung sau đây: Chủ trương, chế độ, chính sách của Nhà nước, của Ngành và những quy định của nhà trường đối với người học. Kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch đào tạo của nhà trường hàng năm. Những thông tin có liên quan đến học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các khoản đóng góp theo quy định. Chủ trương, kế hoạch tổ chức cho người học phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gia nhập các tổ chức, các đoàn thể trong nhà trường. Những việc người học được tham gia ý kiến: Nội quy, quy định của nhà trường có liên quan đến người học.Tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động khác trong nhà trường có liên quan đến người học.

Thực tế hiện nay trong nhà trường còn nhiều việc tồn tại, chưa tốt, còn một bộ phận chưa tích cực nhiệt tình công tác, còn tị nạnh nhau trong công việc, chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến cho sự phát triển của nhà trường….từ đó dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc thấp. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện dân chủ chưa tốt , công tác dân vận chưa đúng mức.

III- ĐỊNH HƯỚNG THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG THỜI GIAN TỚI.

Thực hiện dân chủ trong mỡi đơn vị trong tình hình hiện nay rất khó khăn và phức tạp vì nó liên quan mật thiết đến một thể thống nhất giữa công tác Chính trị tư tưởng-Tổ chức-Đời sống. Trong đó vai trò của người trưởng đơn vị là rất quan trọng. Mức độ thực thi dân chù tùy thuộc vào phẩm chất, năng lực và phong cách quản lý của người trưởng đơn vị.
Để thực hiện dân chủ người trưởng đơn vị phải thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ một cách cương quyết, phải thực hiện có chất lượng tất cả các quy định, chứ không phải chỉ làm cho có hình thức. Muốn đảm bảo chất lượng đòi hỏi mỗi một trưởng đơn vị phải đầu tư nhiều công sức cho việc thực thi. Luôn rèn luyện phẩm chất và năng lực, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải tiếp cận với đạo đức Hồ Chí Minh mới có thể thực hiện tốt dân chủ trong trường học. Đây là một việc cần phải phấn đấu suốt cuộc đời.




2 nhận xét: