AI HƯỞNG LỢI THỰC SỰ TỪ CHƯƠNG TRÌNH
“XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO”?
Thành tựu mà chương trình xóa
đói giảm nghèo đạt được trong thời gian qua là rất lớn,Việt Nam
được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có tiến bộ vượt bậc
trong việc thực hiện mục tiêu thiên nhiên kỷ. Nhưng phân tích lại nguồn vốn đầu tư và người thụ hưởng thì còn nhiều
việc phải xem xét lại.
*Về Ngân sách Nhà nước đầu tư
Theo
số liệu của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cung cấp cho báo chí, Quỹ
xóa đói giảm nghèo của Việt Nam
trong giai đoạn 2011-2013 đạt mức 120 nghìn tỷ đồng/năm (khoảng 5,5 tỷ USD). Việt Nam hiện nay có từ khoảng 500
nghìn đến 3 triệu hộ nghèo (theo
nhiều nguồn khác nhau dựa vào
các tiêu chí/chuẩn nghèo và cách tính toán khác nhau). Đa số các hộ
nghèo tập trung ở khu vực nông thôn, nơi thu nhập bình quân đầu người vào khoảng
4,2 triệu đồng/người/năm.
Nếu
tính tổng số 500 nghìn hộ nghèo ở Việt Nam (theo số liệu thấp nhất), kinh phí
hàng năm để giúp một hộ thoát nghèo là 240 triệu đồng, tức 20 triệu đồng/hộ/tháng,
chia bình quân cho một hộ trung bình có bốn thành viên, thu nhập bình quân đầu
người của các hộ nghèo nhận hỗ trợ sẽ là 5 triệu đồng/người/tháng (gấp đôi
lương của một công chức nhà nước tốt nghiệp đại học mới tuyển). Tuy nhiên, trên
thực tế, theo thừa nhận của thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, mỗi
năm số tiền người nghèo tiếp cận được chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/hộ, tức là bằng
4% – 6% tổng số tiền Quỹ trích ra để chăm lo cho mỗi hộ. Câu hỏi đặt ra là 94%
nguồn tiền còn lại hàng năm của Quỹ được sử dụng cho mục đích gì?
“Bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm
nghèo quá đồ sộ”, Thứ trưởng Đặng
Huy Đông tiếp tục thông tin. “Tỷ lệ chi cho hành chính, sự nghiệp chiếm hơn 63%
tổng số tiền giảm nghèo huy động được. Còn mức chi cho đầu tư phát triển chỉ
chiếm hơn 36%.” (Báo Đại đoàn kết) Tức là chi phí để vận hành cả một bộ máy xóa
đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện đang ở mức 75,6 nghìn tỷ đồng/năm, tương đương
khoảng 3.5 tỷ USD. Như vậy, để mỗi hộ nghèo tiếp cận được 15 triệu đồng/năm, Quỹ
phải chi cho bộ máy vận hành là 150 triệu đồng. Có nghĩa, cứ mỗi 1 đồng người nghèo được nhận thì 10 đồng được trả cho
bộ máy này!
*Về ngân sách của các chương trình/dự án phi chính phủ trong và ngoài nước
Mỗi năm có hàng triệu USD của các cá
nhân/tổ chức NGO tài trợ cho các chương trình/dự án xóa đói giảm nghèo được báo
cáo, bên cạnh đó còn rất nhiều cá nhân/tổ chức làm từ thiện một cách âm thầm...
Theo một số nghiên cứu/báo cáo tổng
kết có thể tin tưởng được thì kinh phí tài trợ cho các chương trình/dự án xóa
đói giảm nghèo thì người hưởng lợi trung bình chừng 20% nguồn kinh phí tài trợ,
người nghèo được 1 phần thì người làm dự án và các chi phí liên quan đến chương
trình/dự án hưởng đến 4 phần. Trong thời gian qua có không ít chương trình/dự
án mở văn phòng, ký hợp đồng, khai trương rất hoành tráng để chụp ảnh quay phim
báo cáo với nhà tài trợ rồi không hoạt động gì; nhiều bảng kinh phí của các
chương trình/dự án hơn 70% kinh phí là dành cho tiền thuê văn phòng, chi phí đi
lại các nước, ăn ở...
Như vậy nguồn vốn cho các chương
trình/dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt
nam là rất lớn, nhưng đa số người thụ hưởng nhận rất ít chỉ một phần nhỏ, trong
khi một số ít người không phải là nghèo (thậm chí là giàu) được hưởng lợi rất
nhiều lần so với người nghèo, đây là một sự bất hợp lý và bất công ở Việt Nam.
Hàng tuần chúng ta hãy xem các chương trình “vượt lên chính mình”, “căn nhà mơ
ước”... sẽ không ngờ hiện nay còn những gia đình quá nghèo, quá bất hạnh! Đây
là những minh chứng cho mặt hạn chế của chương trình/dự án xóa đói giảm nghèo ở
Việt Nam. Hãy
cộng dồn tất cả các kinh phí của các chương trình/dự án xóa đói giảm nghèo từ
trước đến nay sẽ thấy với số tiền đã tài trợ như vậy thì Việt Nam làm sao mà còn
người nghèo? Câu hỏi nầy làm tôi liên tưởng với một anh bạn của tôi vào
năm 1974 đã cộng dồn toàn bộ kinh phí viện trợ của Mỹ, nếu chi đều cho dân Miền
nam lúc bấy giở thỉ gia đình nào cũng có xe hơi nhà cao tầng... nhưng thực tế
thì là “đói gạo no bom”!
La Hồng Huy
22:30 22/02/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét