Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

GÓP Ý ĐỀ ÁN DÂN TỘC CỦA TỈNH AN GIANG


Kính gởi:  Ban dân tộc tỉnh An Giang

          Thực hiện Công văn số 4614/UBND-VX ngày 16 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh An Giang, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

          1- Theo thủ tục thì Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh An Giang sẽ tổ chức Hội đồng tư vấn xét duyệt đề cương sau khi đã hoàn thành các thủ tục đăng ký. Hội đồng tư vấn sẽ phân công  nhận xét phản biện và các thành viên của Hội đồng có ý kiến đóng góp cụ thể cho tác giả chỉnh sửa. Vì không phải là thành viên của Hội đồng tư vấn nên chúng tôi chỉ có ý kiến bước đầu, các thành viên của Hội đồng sẽ nhận xét chi tiết hơn.

          2- Cấu trúc của đề cương chưa đúng theo quy định của Sở KHCN tỉnh An Giang,  nên sửa lại cho đúng quy định.

          3- Mục tiêu cụ thể rất chung, thiếu các chỉ báo cần thiết cũng như các tiêu chí cụ thể của từng mục tiêu, nếu chung như thế nầy thì rất khó đánh giá nghiệm thu. Thực tiễn vừa qua các đề tài Xã hội và Nhân văn mà các cơ quan ở T.P Hồ Chí Minh thực hiện, khi nghiệm thu thì mới thấy chưa đáp ứng được yêu cầu  cần thiết cho tỉnh An Giang, nhưng đề tài đã quyết toán kinh phí hàng năm rồi. Hội đồng nghiệm thu phải công nhận nghiệm thu cho qua, rồi không ứng dụng được cho tỉnh An Giang. Rút kinh nghiệm lần nầy yêu cầu mục tiêu phải hết sức cụ thể rõ ràng có thể đo đếm và kiểm chứng được. Như thế khi nghiệm thu mới hy vọng áp dụng được.

          4- Phạm vi nghiên cứu chưa chính xác nên viết lại, vì trong đề cương chủ yếu là chọn đị bàn, chứ không phải phạm vi nghiên cứu của đề tài.

          5- Nội dung nghiên cứu còn thiếu rất nhiều vì khái niệm xã hội rất rộng, đề cương lại chưa có giới hạn, như vậy phải nghiên cứu toàn diện các nội hàm của khái niệm xã hội, như thế còn thiếu rất nhiều chẳng hạn như: công tác xã hội, an sinh xã hội…

          6- Mục tiêu phát triển quá chung chung chủ yếu là mục tiêu định tính, trong đó còn lẫn lộn mục tiêu với giải pháp. Xậy dựng mục tiêu như vậy còn vi phạm rất nhiều các chuẩn của mục tiêu.
          7- Thiếu nghiên cứu các nguồn lực để thực hiện dự án ( bao gồm tính toán kinh phí nhân lực, cơ sở hạ tầng…), như vậy khi đề án ra đời không đảm bảo tính khả thi.

          8-  Chưa đề ra các sản phẩm của dự án ( đầu ra ), cần phài trình bày cụ thể các sản phẩm và có chỉ báo cụ thể để có thể kiểm tra đánh giá lúc nghiệm thu.

          9- Năm dự án trong đề cương chưa trình bày rõ ràng, đây là những đề cương dự án phát thảo hay hoàn chỉnh đã được thẩm định duyệt thực hiện? Với đề án lớn như thế nầy chỉ có 5 dự án thì làm sao đảm bảo thực hiện toàn diện các mục tiêu của đề án. Hướng triển khai thực hiện các dự án như thế nào cũng chưa đề cập đến.

          10- Dự trù kinh phí không theo quy định của Nhà nước thì lấy cơ sở nào để thanh chi quyết toán?

          KẾT LUẬN

          Đề án có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Tinh Ủy và UBND tỉnh An Giang trong chính sách dân tộc, đề án nên gấp rút hoàn thành để triển khai thực hiện. Đáng tiếc là đề cương quá chung chung không đảm bảo các yêu cầu cụ thể của một đề cương đề án. Để cho đề án có tính khả thi cao và có thể quản lý kiểm định được trong quá trình nghiệm thu đưa vào áp dụng, đề cương cần phải viết lại cho đầy đủ nghiêm túc.

CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG TRƯỜNG HỌC


                                                                                    ThS. La Hồng Huy
                                                                       Giám đốc TTNCKHXH&NC-ĐHAG


I- CÔNG TÁC DÂN VẬN CHÍNH LÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ.

          Chủ tịch Hồ Chí minh khẳng định nước ta là một nước Dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để bỏ sót một người dân nào. Góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho.”. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc rút kinh nghiệm phê bình khen thưởng. Như vậy thực hiện công tác dân vận hàm nghĩa thực hiện dân chủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý.

II- CÔNG TÁC DÂN CHỦ TRONG TRƯỜNG HỌC.
         
Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất những điều Luật Giáo dục quy định theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong các hoạt động của nhà trường thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; đảm bảo cho công dân, cơ quan, tổ chức được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục, làm cho giáo dục thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của hiệu trưởng, nhà giáo, người học, đội ngũ cán bộ, công chức trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của nhà trường, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và luật pháp Nhà nước.
Mở rộng dân chủ phải đảm bảo có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện trách nhiệm của Hiệu trưởng và phát huy vai trò của các tổ chức, các đoàn thể trong nhà trường.
Thực hiện dân chủ trong nhà trường phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; quyền phải đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường.

          Hiệu trưởng, giảng viên và sinh viên đều có trách nhiệm riêng trong quá trình thực hiện dân chủ

          1- Hiệu trưởng
  Hiệu trưởng phải lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng của các cá nhân hoặc các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường trước khi quyết định: Kế hoạch phát triển, tuyển sinh, dạy học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của nhà trường trong năm học. Quy trình quản lý đào tạo, những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bộ máy trong nhà trường. Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, cán bộ, công chức. Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, các hoạt động dịch vụ, sản xuất của nhà trường. Các biện pháp tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng hàng năm, lề lối làm việc, xây dựng nội quy, quy chế trong nhà trường.  Các báo cáo sơ kết, tổng kết theo định kỳ trong năm học.

2- Giảng viên cán bộ CNV
Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục. Tham gia đóng góp ý kiến với nhà trường. Kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng bè phái, mất đoàn kết, cửa quyền, quan liêu và những hoạt động khác vi phạm dân chủ, kỷ cương, nền nếp trong nhà trường.Thực hiện đúng những quy định trong Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo, cán bộ, công chức; tôn trọng đồng nghiệp và người học; bảo vệ uy tín của nhà trường. Những việc nhà giáo, cán bộ, công chức được biết, tham gia ý kiến, giám sát kiểm tra thông qua hình thức dân chủ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường: Những chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với nhà giáo, cán bộ, công chức. Những quy định về sử dụng tài sản, xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Công khai các khoản đóng góp của người học, việc sử dụng kinh phí và chấp hành chế độ thu, chi, quyết toán theo quy định hiện hành. Giải quyết các chế độ, quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, cán bộ, công chức, cho người học. Việc thực hiện thi tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng bậc lương, thuyên chuyển, điều động, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật. Những vấn đề về tuyển sinh và thực hiện quy chế thi từng năm học. Báo cáo sơ kết, tổng kết, nhận xét, đánh giá công chức hàng năm.

3- Sinh viên.
Người học phải được biết những nội dung sau đây: Chủ trương, chế độ, chính sách của Nhà nước, của Ngành và những quy định của nhà trường đối với người học. Kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch đào tạo của nhà trường hàng năm. Những thông tin có liên quan đến học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các khoản đóng góp theo quy định. Chủ trương, kế hoạch tổ chức cho người học phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gia nhập các tổ chức, các đoàn thể trong nhà trường. Những việc người học được tham gia ý kiến: Nội quy, quy định của nhà trường có liên quan đến người học.Tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động khác trong nhà trường có liên quan đến người học.

Thực tế hiện nay trong nhà trường còn nhiều việc tồn tại, chưa tốt, còn một bộ phận chưa tích cực nhiệt tình công tác, còn tị nạnh nhau trong công việc, chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến cho sự phát triển của nhà trường….từ đó dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc thấp. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện dân chủ chưa tốt , công tác dân vận chưa đúng mức.

III- ĐỊNH HƯỚNG THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG THỜI GIAN TỚI.

Thực hiện dân chủ trong mỡi đơn vị trong tình hình hiện nay rất khó khăn và phức tạp vì nó liên quan mật thiết đến một thể thống nhất giữa công tác Chính trị tư tưởng-Tổ chức-Đời sống. Trong đó vai trò của người trưởng đơn vị là rất quan trọng. Mức độ thực thi dân chù tùy thuộc vào phẩm chất, năng lực và phong cách quản lý của người trưởng đơn vị.
Để thực hiện dân chủ người trưởng đơn vị phải thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ một cách cương quyết, phải thực hiện có chất lượng tất cả các quy định, chứ không phải chỉ làm cho có hình thức. Muốn đảm bảo chất lượng đòi hỏi mỗi một trưởng đơn vị phải đầu tư nhiều công sức cho việc thực thi. Luôn rèn luyện phẩm chất và năng lực, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải tiếp cận với đạo đức Hồ Chí Minh mới có thể thực hiện tốt dân chủ trong trường học. Đây là một việc cần phải phấn đấu suốt cuộc đời.




TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM TRONG CƠ CẤU SƯ PHẠM - PHỔ THÔNG


 
                                                        La Hồng Huy - Trường đại học An Giang  (1)


I. CƠ CẤU SƯ PHẠM - PHỔ THÔNG.
Nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu của trường sư phạm là thực hiện nguyên lí giáo dục của Đảng: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn, GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và  GD xã hội” (2). Việc thực hiện nguyên lí giáo dục này trong nhà trường sư phạm ngoài cái chung của tất cả các nhà trường XHCN, trường sư phạm còn có cái riêng là  sinh viên tiếp nhận sự giáo dục phải trở thành người thực hiện nguyên lí giáo dục đối với trẻ em. Do đó, việc thực hiện nguyên lí giáo dục không chỉ diễn ra trong trường sư phạm mà diễn ra trong một chỉnh thể thống nhất có tác động biện chứng với nhau, đó chính là cơ cấu sư phạm - phổ thông.
Trong tất cả các mặt hoạt động của trường sư phạm: học tập nghiên cứu, lao động, hoạt động xã hội, việc đầu tiên phải quan tâm là tạo cho sinh viên dần dần có ý thức, rồi tiến lên có ý chí, có nhạy cảm về giáo dục và tự giáo dục thành những con người theo mục tiêu đào tạo, có khả năng làm tốt công tác giáo dục học sinh phổ thông. Vì vậy ba tập hợp: tập thể giáo viên, sinh viên trường sư phạm; giáo viên trường phổ thông, tập thể học sinh phổ thông có quan hệ hữu cơ biện chứng với nhau. Nhà trường phổ thông và xã hội là môi trường sư phạm của nhà trường sư phạm. Từ trong môi trường sư phạm này, quá trình đào tạo mới nảy sinh ra được những người giáo viên tinh nhạy về mặt giáo dục, nắm được quy luật và điều khiển quy luật hình thành con người mới XHCN. Kết quả này không những chỉ có và phải có ở người sinh viên mà phải có ở người giảng viên trường sư phạm.
Nhà trường phổ thông là cái nôi nuôi dưỡng của tập thể thầy và trò trường sư phạm, từ phổ thông họ rút ra những chất dinh dưỡng cho việc đào tạo và tự đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Đặc biệt đối với sinh viên, nhà trường phổ thông là nơi thực tập những điều đã học và rèn luyện tập vợt để trở thành người giáo viên; trường phổ thông là nơi công tác tương lai của sinh viên, nơi tiếp tục rèn luyện và hoàn thiện tay nghề; đến lượt mình nhà trường phổ thông được tiếp nhận những chất liệu mới, các thành tựu mới của khoa học giáo dục. Cơ cấu sư phạm - phổ thông là sự sống còn của nhà trường sư phạm trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo, cơ cấu này phải được gắn với xã hội trong mối quan hệ giữa cái bộ phận và cái toàn phần một cách biện chứng.

Mô hình cơ cấu sư phạm phổ thông


 




II. SỰ CẦN THIẾT CỦA TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM (THSP)

1. Vài thực tế về thực hành nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm chưa có  trường THSP.

 Do điều kiện khách quan hiện nay còn nhiều trường sư phạm chưa có trường THSP, việc này có nhiều vấn đề khó khăn trong việc kiến tập, thực tập của sinh viên, sau đây chúng tôi xin trình bày vài nét chính yếu.
- Nhiều giảng viên tốt nghiệp đại học, sau đại học được bổ nhiệm về trường sư phạm giảng dạy mà chưa kinh qua công tác ở trường phổ thông nên vốn kinh nghiệm thực tiễn ở trường phổ thông rất ít, khó hướng dẫn sinh viên tiếp cận, thích nghi với nhà trường phổ thông hiện nay.
- Khi liên kết với các trường phổ thông để sinh viên kiến tập, thực tập, bị lệ thuộc vào sự quản lí chuyên môn của Sở/Phòng GD&ĐT nên trường sư phạm khó thực hiện mục tiêu theo sự kỳ vọng của mình. Giáo viên phổ thông tham gia hướng dẫn đánh giá sinh viên không nằm dưới hệ thống quản lí của  trường sư phạm nên còn nhiều “trắc trở” từ cách đánh giá, tiêu chí giờ dạy, hướng dẫn nghiên cứu........
- Giảng viên, sinh viên trường sư phạm khó tiến hành các thử nghiệm về cải tiến đổi mới phương pháp dạy học/giáo dục ở các trường phổ thông, vì cần có sự đồng thuận của các trường phổ thông, mà thường là các trường này rất “ngán ngại” vì sợ ảnh hưởng đến thi đua của nhà trường và các cơ chế ràng buộc phức tạp khác.
Từ những điều trình bày trên chúng tôi thấy trường thực hành sư phạm là mô hình tốt nhất khắc phục những vấn đề này, nó giúp cho trường sư phạm có nhiều khả năng thực hiện được cơ cấu sư phạm - phổ thông.

2. Mô hình trường THSP.

Hiện nay có nhiều mô hình trường thực hành sư phạm, mỗi trường có nét đặc trưng riêng, theo chúng tôi trường THSP cần phải đảm bảo các đặc trưng sau đây:
- Trường THSP là một trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước đối với trường phổ thông. Sản phẩm do nhà trường thực hành sư phạm phải hơn các trường phổ thông, tuyệt đối không được có bất kỳ điều gì thiệt hại cho học sinh ở trường THSP (so với học sinh phổ thông).
- Trường THSP nằm trong trường sư phạm, là một đơn vị trực thuộc trường sư phạm, có như vậy mới chủ động thực hiện công tác thực tập, kiến tập, nghiên cứu khoa học.
- Trường THSP phải được đầu tư đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên giỏi nhiệt tình, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc dạy học và giáo dục.

3. Trường THSP ở An Giang
 Trong những năm trước đây thực hiện mô hình như trên (có quy chế tạm thời) bước đầu đạt được kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh và kĩ năng sư phạm cho sinh viên.

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.

Trường THSP rất cần thiết trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu sư phạm - phổ thông. Vì vậy các trường sư phạm cần thiết phải sớm thành lập trường THSP.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm ban hành quy chế hoạt động của trường THSP để thống nhất thực hiện trong cả nước. Việc này làm không khó và nên làm gấp.

-----------------------------------------------------------------------------------------------
(1)  Th.S. GĐ trung tâm nghiên cứu KHXH&NV
(2)  Điều 3 luật Giáo dục năm 2005